Bất động sản thương mại nhắm mục tiêu 100% được chứng nhận xanh vào năm 2030

BẤT ĐỘNG SẢN APAC
22:39 - 04/04/2024
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Theo khảo sát của Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL), thuê văn phòng trong các tòa nhà được chứng nhận xanh đã trở thành tiêu chí tối thiểu đối với hầu hết khách thuê bất động sản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

Nhu cầu văn phòng xanh thị trường APAC tăng cao

Theo báo cáo của JLL, 87% khách thuê văn phòng được khảo sát tại khu vực này cho biết họ nhắm mục tiêu danh mục đầu tư bất động sản được chứng nhận xanh 100% vào năm 2030, tăng từ 4% hiện nay.

Đặc biệt ở các quốc gia như Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan, hơn 95% khách thuê bất động sản tìm kiếm các công trình được chứng nhận Xanh.

Có nhiều lý do cho sự gia tăng này. Nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang thực hiện các cam kết về giảm phát thải, vì vậy, bất động sản có tích hợp yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) sẽ là điểm quan trọng giúp đáp ứng mục tiêu của họ.

Hơn nữa, văn phòng xanh có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí năng lượng và nước. Nhân viên làm việc trong văn phòng xanh có năng suất cao hơn và họ ngày càng quan tâm đến việc làm việc cho các công ty có cam kết về môi trường. Do đó, việc thuê văn phòng xanh có thể giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài tốt hơn.

Ảnh tác giả Bà Kamya Miglani, Trưởng phòng Nghiên cứu ESG, JLL khu vực APAC

Bà Kamya Miglani, Trưởng phòng Nghiên cứu ESG, JLL khu vực APAC cho biết: “Ngày nay, việc thuê văn phòng trong các tòa nhà được chứng nhận xanh không còn là điểm khác biệt mà là tiêu chí tối thiểu đối với hầu hết khách thuê bất động sản ở APAC."

Ngoài ra, ngày càng nhiều công ty áp dụng các chiến lược bền vững như kiểm toán năng lượng, trang bị nội thất bền vững và hợp đồng thuê xanh để có được nơi làm việc bền vững.

Sự phát triển của thị trường văn phòng xanh tại khu vực APAC là một xu hướng tích cực cho môi trường và cho các doanh nghiệp. Nhu cầu thuê gia tăng đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường văn phòng xanh tại khu vực APAC. Các nhà phát triển bất động sản xây dựng các tòa nhà văn phòng mới theo thiết kế đạt tiêu chí chứng nhận xanh và lên kế hoạch cải tạo các tòa nhà văn phòng cũ để đáp ứng nhu cầu này.

Tuy nhiên, cung và cầu về các tòa nhà bền vững trong khu vực còn có một khoảng cách đáng kể. Theo phân tích của JLL, trên khắp APAC, cứ mỗi 5 ft2 (0,46 m2) nhu cầu thì chỉ có 2 ft2 (0,18 m2) không gian carbon thấp được phát triển từ nay đến năm 2028.

Thị trường văn phòng xanh Việt Nam

Không nằm ngoài xu hướng, tại Việt Nam nhiều dự án phát triển bất động sản văn phòng cho thuê gần đây cũng tập trung đầu tư vào tính bền vững và các yếu tố xanh trong tòa nhà.

Ảnh tác giả Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

Lấy ví dụ, một công ty dịch vụ công nghệ, ngân hàng hay công ty bảo hiểm thì có tới 80% hoặc 90% lượng khí thải carbon của họ có thể đến từ bất động sản. Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết: "Đây là một phần lý do tại sao chúng tôi nhận thấy khách thuê đang dần chuyển ưu tiên từ tập trung vào vị trí, giá thuê và tiện nghi sang những gì tòa nhà có thể cung cấp nhằm giúp họ đạt được mục tiêu bền vững.”

Hiện, hơn 85% doanh nghiệp phát triển nhanh trên cả nước đã cam kết ESG (số liệu của Savills Hà Nội), dẫn đến sự cạnh tranh cao giữa các văn phòng xanh trong tương lai.

Hàng trăm tòa nhà hiện hữu sẽ chịu áp lực phải cải tạo, đặc biệt nếu họ muốn thu hút khách thuê là các doanh nghiệp đa quốc gia lớn.

Theo thống kê của Công ty GreenViet, một trong những công ty tư vấn Công trình xanh đầu tiên ở Việt Nam, tính đến ngày 12/3/2024, ở phân khúc văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP HCM mới có 39 công trình đã được cấp chứng chỉ LEED và 51 công trình nộp hồ sơ; 13 công trình nhận chứng chỉ LOTUS và 7 đã đăng ký; 9 công trình đạt chứng chỉ EDGE; 4 công trình đạt GREEN MARK và 4 đã nộp hồ sơ; chứng nhận WELL có 3 công trình đã được cấp và 12 đăng ký; FITWELL có 1 hồ sơ đăng ký.

Chứng nhận công trình xanh – con đường quanh co

Các tòa nhà đạt được chứng nhận LEED hội tụ những tiêu chuẩn về cải tiến xanh trong các hạng mục như carbon, năng lượng, nước, chất thải, giao thông, vật liệu, sức khỏe và môi trường trong nhà.

LEED được công nhận là một trong những hệ thống xếp hạng Công trình xanh hàng đầu trên thế giới, đóng vai trò là chuẩn mực toàn cầu về tính bền vững xuất sắc. LEED O+M dành cho các toà nhà theo đuổi chiến lược bền vững trong hoạt động vận hành giúp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.


Số liệu thống kê các công trình xây dựng tại Việt Nam được các chứng nhận Công trình Xanh tính đến ngày 12/3/2024. Nguồn: GreenViet

Số liệu thống kê các công trình xây dựng tại Việt Nam được các chứng nhận Công trình Xanh tính đến ngày 12/3/2024. Nguồn: GreenViet

Số liệu của GreenViet tổng hợp đến ngày 12/3/2024, Việt Nam có tổng cộng 813 hồ sơ cấp chứng nhận Công trình xanh, trong đó 391 công trình đã được cấp chứng nhận đảm bảo các tiêu chuẩn Công trình xanh khác nhau và 422 công trình mới ở giai đoạn đăng ký.

Trong số những công trình đã được chứng nhận Xanh có 182 công trình nhận chứng chỉ LEED, 67 chứng nhận LOTUS, 116 chứng nhận EDGE, 23 GREEN MARK, 3 WELL. Trong 422 công trình đã nộp hồ sơ có 382 công trình đăng ký chứng nhận LEED, 27 LOTUS, 12 WELL, 1 FITWEL.

Nhìn chung, các nhà phát triển bất động sản Việt Nam đã có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới việc đạt được chứng chỉ Công trình xanh cho danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, số lượng công trình đủ tiêu chuẩn đã được chứng nhận còn khá khiêm tốn.

Ảnh tác giả Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Tổng Giám đốc Công ty GreenViet

Lý giải về điều này, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Tổng Giám đốc Công ty GreenViet cho biết: “Để được chứng nhận thì dự án phải xây dựng xong. Nhưng các dự án ở Việt Nam thời gian qua thi công kéo dài vì nhiều nguyên nhân.

Một số dự án do chủ đầu tư không quyết liệt theo đuổi mục tiêu đạt chứng nhận xanh hoặc thiếu kinh phí hoặc đơn vị tư vấn thiếu kinh nghiệm.”

Ngoài ra, theo ông Quang, vấn đề bất cập còn ở chỗ: “Ở Việt Nam, các chủ đầu tư thường mời đơn vị tư vấn xanh tham gia hơi muộn trong quá trình thiết kế dự án. Thậm chí khi đã bắt đầu thi công mới thuê tư vấn công trình xanh, dẫn đến giá trị do đơn vị tư vấn xanh mang lại cho dự án không được tối ưu, đồng thời làm tăng chi phí dự án.”

Việc khó khăn nhất là thuyết phục chủ đầu tư, bởi vì hiện tại thị trường xây dựng chưa có khái niệm cụ thể hay kiến thức về công trình xanh cũng như những lợi ích mà nó mang lại.

Các chủ đầu tư thường có suy nghĩ việc làm công trình xanh chỉ để mục đích marketing, quảng cáo bán hàng. Chi phí phát sinh là rào cản và e ngại lớn của các chủ đầu tư trong thời điểm này.

Đánh giá của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cho biết, phần lớn chi phí đầu tư cho công trình xanh dưới 5% giá trị công trình, nhưng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thể loại, công năng sử dụng, quy mô, tổng mức đầu tư… Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có chính sách, chế tài, tiêu chuẩn quy định các yêu cầu của công trình xanh cho trang thiết bị điện, nước, vật liệu xây dựng…

Tin liên quan

Đọc tiếp