Một doanh nghiệp sở hữu nhóm cổ phiếu nóng bị phạt vì mua bán chui

DOANH NGHIỆP Việt nAM
14:27 - 24/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Không lâu sau vụ giao dịch "chui" cổ phiếu của Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, lại có thêm một doanh nghiệp bị phạt về hành vi tương tự là CTCP Louis Holdings. Điểm khác là lần này doanh nghiệp của đại gia Đỗ Thành Nhân đã “mua chui” cổ phiếu.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông báo ban hành Quyết định số 146/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Louis Holdings. Công ty này bị phạt tiền 161,2 triệu đồng vì đã có hành vi giao dịch vượt quá giá trị đăng ký. Mức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng.

Cụ thể, ngày 11/11/2021, Louis Holdings đăng ký giao dịch mua 3,6 triệu cổ phiếu TGG của Công ty cổ phần Louis Capital trong khoảng thời gian 17/11/2021 đến 15/12/2021. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại mua tới trên 4,67 triệu cổ phiếu TGG. Giao dịch được Louis Holdings thực hiện từ 17/11/2021 đến 30/11/2021, mua vượt hơn 1 triệu cổ phiếu TGG so với đăng ký (tương ứng khoảng 10,75 tỷ đồng mệnh giá TGG).

Trước vụ CTCP Louis Holdings không lâu, cá nhân ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng từng bị xử phạt bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng do bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo. Trước khi xảy ra phi vụ "bán chui", cổ phiếu “họ FLC” và nhóm bất động sản – xây dựng đang dẫn sóng thị trường với nhiều mã tăng bằng lần chỉ trong 1-2 tháng.

Lúc đó, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của tập đoàn. Sau khi hủy giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Quyết tại FLC không thay đổi. Tuy nhiên, sự việc này đã gây ra tác động tâm lý khiến cổ phiếu "họ FLC" bị nhiều nhà đầu tư bán ra, rớt giá, mất thanh khoản. Cùng với sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm, nhóm cổ phiếu bất động sản đã bị nhấn chìm một thời gian, gần đây mới hồi phục.

Về Louis Holdings, doanh nghiệp này là một hệ sinh thái kinh doanh đa ngành. Các thành viên hiện niêm yết trên sàn là Louis Capital (TGG), Louis Land (Bll), Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, AGM), Dược Lâm Đồng (Ladophar, LDP), Sametel (SMT). Đây là loạt doanh nghiệp mà Louis Holdings rầm rộ góp vốn, mua cổ phần chi phối trong năm 2021.

Có một điểm chung là sau khi về tay Louis Holdings, giá cổ phiếu các công ty trên đều tăng trưởng đáng kể. Cuối quý III/2021, nhóm này từng làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi đồng loạt tăng kịch trần. Thời điểm đó, một cộng đồng nhà đầu tư cổ phiếu "họ Louis" còn được lập ra để những lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ về cổ phiếu, triển vọng đầu tư, thậm chí đưa ra mức giá mục tiêu.

Tuy nhiên sau đó, các mã này cũng nhanh chóng “rơi tự do”, có mã mất giá hơn 70% giá trị. Thời gian gần đây, các cổ phiếu trong hệ sinh thái Louis Holdings đã có dấu hiệu hồi phục, thậm chí nhiều phiên tăng trần, nhưng không còn thu hút sự chú ý như trước.

Về tình hình kinh doanh, các công ty trên cũng ghi nhận lợi nhuận vượt trội sau khi có sự tham gia của nhóm cổ đông Louis. Như Louis Capital, nhờ chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực đầu tư, tư vấn đồng thời thanh lý các khoản đầu tư trong danh mục chứng khoán kinh doanh; năm 2021 công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 802 tỷ đồng, gấp 78 lần năm 2020; lãi ròng hơn 99,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 43 tỷ đồng).

Louis Land năm 2021 đạt 493 tỷ đồng doanh thu thuần (97% doanh thu đến từ bán hàng hóa, thành phẩm), hơn 33 tỷ lãi sau thuế; tăng lần lượt 614% và 120% so với năm 2020. Còn Angimex ước tính đạt 3.903 tỷ đồng doanh thu, tăng 99%; lợi nhuận đạt 47,36 tỷ đồng, tăng gần 57% so với năm 2020.

Mới đây, Louis Holdings lại tiếp tục mở rộng hệ sinh thái với việc nhắm đến Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC). Tuy nhiên thương vụ này đang không được suôn sẻ khi các nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung. HQC đã thông báo dừng kế hoạch họp ĐHĐCĐ, đồng thời huỷ bỏ danh sách cổ đông chốt quyền sau khi một nhóm cổ đông đề cử người của Louis Holdings vào HĐQT.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.