Tên lửa M142 HIMARS trong cuộc tập trận quân sự Dynamic Front diễn ra tại một khu vực huấn luyện ở Oksbol, Đan Mạch ngày 30/3/2023. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, gói viện trợ trị giá khoảng 500 triệu USD này bao gồm đạn dược cho Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) và tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM), cùng các khoản hỗ trợ khác.
Gói viện trợ này được công bố 10 ngày sau khi Washington tuyên bố sẽ gửi một gói viện trợ quân sự trị giá 725 triệu USD cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những mặt hàng được viện trợ bao gồm các hệ thống chống máy bay không người lái, đạn dược cho hệ thống HIMARS, mìn chống bộ binh cùng nhiều loại vũ khí khác.
Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ chi toàn bộ số tiền viện trợ quân sự mà Quốc hội đã phê duyệt trong năm nay cho Ukraine trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông vào ngày 20/1/2025. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby trước đó cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp các gói viện trợ bổ sung cho Ukraine "cho đến hết nhiệm kỳ của chính quyền này".
Tính tới sau ngày 12/12, Tổng thống Joe Biden vẫn còn quyền rút khoảng 5,6 tỷ USD mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội thông qua thông qua cơ chế PDA (Presidential Drawdown Authority). Cơ chế này giúp Tổng thống Mỹ có thể chuyển giao các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng từ kho dự trữ của Mỹ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Các động thái của chính quyền Tổng thống Joe Biden được đưa ra trong bối cảnh có nhiều sự không chắc chắn tồn tại xung quanh những hành động liên quan tới cuộc xung đột Nga – Ukraine mà Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể thực hiện một khi ông tiếp quản Nhà Trắng.
Trước đó trong một bài phỏng vấn với chương trình “Meet the Press” của đài NBC ngày 8/12, ông Trump đã để ngỏ khả năng cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như khả năng Mỹ rời NATO. Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Time ngày 12/12 nhân dịp ông được vinh danh là Nhân vật của năm, ông tiếp tục có những tuyên bố chỉ trích Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Ngày 11/12, Ukraine tiếp tục tấn công sân bay quân sự Taganrog ở khu vực Rostov trên Biển Azov bằng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất. Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết 2 trong số các tên lửa do Ukraine bắn đã bị hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir bắn hạ và số còn lại đã bị phá hủy bằng hệ thống tác chiến chiến tranh điện tử.
Bộ này khẳng định: “Cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của phương Tây này sẽ không trôi qua mà không có câu trả lời. Các biện pháp thích hợp sẽ được thực hiện”.
Trước đó, Nga đã đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và Storm Shadow tấn công sâu vào lãnh thổ mình ngày 19/11 và 21/11 thông qua việc sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung mới được gọi là "Oreshnik" vào khu vực Dnipro của Ukraine. Có nhiều nhận định cho rằng Nga có thể sẽ tiếp tục sử dụng Oreshnik để đáp trả đợt tấn công ngày 11/12 vừa qua.