Quân đội Ukraine ở vùng Donetsk ngày 30/10/2024. Ảnh: Dịch vụ báo chí Lữ đoàn cơ giới số 24 của Ukraine |
Theo hãng tin AP trích dẫn thông báo chính thức, gói viện trợ bao gồm các loại vũ khí sẽ được rút khỏi kho dự trữ hiện có của Mỹ, trong đó bao gồm cả máy bay đánh chặn phòng không cho Hệ thống Tên lửa đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS), đạn dược cho Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) và pháo 155 mm, xe bọc thép cũng như vũ khí chống tăng.
Trước đây trong khuôn khổ chuyến thăm Kiev ngày 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tiết lộ rằng Ukraine sẽ sớm có thêm viện trợ quân sự trong khoảng thời gian tới. Với gói viện trợ mới nhất do Lầu Năm Góc công bố này, tổng số tiền viện trợ quân sự mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022 lên 60,4 tỷ USD.
Khoản viện trợ 425 triệu USD được Washington công bố trong bối cảnh các thành phố phía đông của Ukraine tiếp tục phải đối mặt với một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, bao gồm một cuộc tấn công vào Kharkiv bằng một quả bom lượn nặng 500 kg ngày 31/10. Hãng tin AP cho biết cuộc tấn công này đã đánh trúng một khu chung cư, khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Khoản viện trợ cũng được công bố trong bối cảnh Lầu Năm Góc ngày 28/10 tuyên bố có khoảng 10.000 binh lính Triều Tiên đã được gửi tới Nga để trải qua quá trình huấn luyện và chiến đầu chống lại quân đội Ukraine “trong một vài tuần tới”.
Cụ thể, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 28/10 cho biết: "Một phần trong số 10.000 binh sỹ Triều Tiên đã tiến gần hơn đến Ukraine và chúng tôi ngày càng lo ngại rằng Nga có ý định sử dụng những người lính này để chiến đấu hoặc hỗ trợ các hoạt động chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine gần biên giới”.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 28/10 khẳng định việc việc triển khai quân đội Triều Tiên đại diện cho "một sự leo thang đáng kể" trong cuộc xung đột Ukraine và là "một sự mở rộng nguy hiểm của Nga".
Về phía Nga, Bộ trưởng Ngoại giao nước này là ông Sergey Lavrov ngày 28/10 đã bác bỏ các cáo buộc của ông Rutte, đồng thời cho biết Moscow và Bình Nhưỡng chỉ ký một hiệp ước an ninh chung vào tháng 6 năm ngoái.
Trong một cuộc họp báo tại Moscow, Interfax dẫn lời ông Lavrov cho biết: "Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng hiệp ước không phải là bí mật mà mang tính chất công khai. Toàn bộ văn bản đã được công bố và không hề vi phạm bất kỳ điều khoản nào của luật pháp quốc tế do nó bao gồm việc cung cấp hỗ trợ trong trường hợp một trong những quốc gia là bên tham gia hiệp ước bị tấn công quân sự".
"Vì vậy, lập trường của chúng tôi ở đây hoàn toàn trung thực và cởi mở," ông nói. Ngoại trưởng Nga cũng đồng thời cáo buộc rằng các huấn luyện viên quân sự phương Tây từ lâu đã được triển khai bí mật đến Ukraine để giúp quân đội nước này sử dụng vũ khí tầm xa do các đối tác phương Tây cung cấp.
Tới ngày 1/11, tiếp tục phản hồi lại cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về việc 8.000 trong số 10.000 binh sĩ Triều Tiên được cho là có mặt trên lãnh thổ Nga đã được chuyển đến khu vực Kursk, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Tôi không có gì để bổ sung thêm về những gì chúng tôi đã nêu trước đây về vấn đề này".
Trước đó, trong bài phát biểu được truyền thông Nhà nước Nga đưa tin ngày 21/10, ông đã mô tả các cáo buộc về việc binh lính Triều Tiên được gửi tới Nga là “tin giả”. Ông cũng cho biết Triều Tiên là nước láng giềng gần gũi và đối tác Nga, đồng thời khẳng định việc hai nước phát triển quan hệ trong mọi lĩnh vực là “chủ quyền”.
"Điều này không nên khiến bất kỳ ai lo lắng vì sự hợp tác này không nhằm vào các nước thứ ba," ông Peskov nói trong bài phát biểu được truyền thông Nhà nước Nga đưa tin ngày 21/10, đồng thời nhấn mạnh Moscow “sẽ tiếp tục phát triển” mối quan hệ này.