Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: DPA |
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag của Đức hôm 18/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng "tất cả chúng ta đều muốn cuộc chiến này kết thúc", nhấn mạnh rằng chỉ có một nền hòa bình "công bằng" mới có thể tồn tại.
"Hòa bình không có nghĩa là đóng băng cuộc xung đột và chấp nhận một thỏa thuận do Nga đề ra", ông Stoltenberg nhận định và cho rằng "chỉ Ukraine mới có thể xác định các điều kiện có thể chấp nhận được".
Nhà lãnh đạo NATO cũng kêu gọi cần đảm bảo an ninh "đáng tin cậy" cho Kiev sau khi cuộc xung đột kết thúc, "để Nga không thể tái vũ trang và tấn công trở lại".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Der Spiegel |
Khi được hỏi về triển vọng Ukraine gia nhập NATO, ông Stoltenberg dự đoán rằng điều này sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh ưu tiên hiện tại của khối quân sự này là đảm bảo "Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền".
Ông Stoltenberg cũng tiết lộ rằng quốc gia thành viên NATO đang có kế hoạch thông qua một gói viện trợ cho Kiev trong Hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Vilnius, Lithuania vào tháng tới. Trong đó, mục tiêu là giúp Ukraine chuyển đổi quân đội phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO trong vài năm tới.
Vào tháng trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với TASS rằng lựa chọn duy nhất mà Nga đang cân nhắc là "hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt", có nghĩa là đảm bảo lợi ích của Moscow và đạt được mục tiêu đã đề ra.
Quan chức này cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vào thời điểm này. "Nga không có khả năng trao đổi về các cuộc đàm phán thực sự với bất kỳ đại diện nào của Ukraine hiện tại, bởi vì ở nước này, mọi cuộc đàm phán với Liên bang Nga đang đều bị cấm", ông Peskov giải thích.
Tại cuộc tiếp phái đoàn châu Phi thăm Kiev hôm 16/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi (AU), tuyên bố Kiev không thể đàm phán với Nga và đóng băng cuộc xung đột.
“Tôi đã nói rõ ràng và nhiều lần tại cuộc họp của chúng ta rằng, việc cho phép bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga trong khi họ vẫn chiếm giữ lãnh thổ của chúng tôi có nghĩa là đóng băng cuộc chiến, đóng băng nỗi đau”, Tổng thống Zelensky tuyên bố. “Tôi nhấn mạnh một lần nữa, chúng tôi cần hòa bình thực sự. Do vậy, cần một cuộc rút quân thực sự của quân đội Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ đất độc lập của chúng tôi”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong một cuộc hội đàm song phương ngày 17/6. Ảnh: TASS |
Trong khi đó, tại St.Peterburg ngày 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với phái đoàn châu Phi rằng Moscow sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với tất cả những ai mong muốn hòa bình dựa trên các nguyên tắc công bằng và cân nhắc lợi ích hợp pháp của tất cả các bên.
Tuy nhiên, ông Putin nói rằng không phải tất cả các điều khoản của sáng kiến hòa bình do lãnh đạo châu Phi đề xuất đều tương quan với lập trường của Nga. Ông nhấn mạnh phía Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine nhưng chính phủ Ukraine bày tỏ sự không sẵn sàng thông qua sắc lệnh của Tổng thống Zelensky về việc cấm đàm phán với Moscow.