Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết có 9 quốc gia sẽ chính thức gia nhập BRICS với tư cách là các quốc gia đối tác bắt đầu từ tháng 1/2025. Ảnh: newagebd |
Ông Yuri Ushakov nói về tầm quan trọng của việc phê duyệt quy chế quốc gia đối tác của BRICS tại một cuộc họp báo ngày 23/12, hãng tin RT đưa tin. Quy chế 'quốc gia đối tác' mới đã được phê duyệt tại hội nghị thượng đỉnh BRICS do Nga tổ chức tại Kazan hồi tháng 10 vừa qua.
Quy chế này được coi là giải pháp thay thế cho tư cách thành viên sau khi hơn 30 quốc gia nộp đơn xin gia nhập BRICS, trong đó quy định các đối tác tham gia thường xuyên vào các phiên họp đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh BRICS và các cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao cũng như các sự kiện cấp cao khác. Các đối tác cũng có thể đóng góp vào các tài liệu kết quả của nhóm.
Cụ thể, ông Yuri Ushakov nói rằng, từ 1/1/2025, các quốc gia bao gồm Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Thái Lan, Cuba, Uganda, Malaysia và Uzbekistan sẽ chính thức trở thành đối tác của BRICS. Trong tương lai gần, ông cho biết thêm có khoảng 4 quốc gia nữa dự kiến sẽ được xác nhận là quốc gia đối tác của BRICS.
BRICS được thành lập vào năm 2009, gồm 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp Nam Phi vào năm 2010. Vào năm 2024, khối này tiếp tục kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Kể từ đó, 15 quốc gia khác đã thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập, bao gồm Bahrain, Belarus, Cuba, Kazakhstan, Pakistan, Sénégal và Venezuela. Ông Ushakov cho biết Saudi Arabia đã tạm dừng quá trình gia nhập BRICS vì các "thủ tục nội bộ" cần thiết để trở thành thành viên chính thức vẫn chưa hoàn tất.
Tính tới hiện tại, Trợ lý Tổng thống Nga chia sẻ rằng BRICS đã nhận được 35 đơn xin gia nhập trước Hội nghị thượng đỉnh Kazan. "Một số quốc gia muốn ngay lập tức nhận được sự tư cách thành viên đầy đủ, trong khi những quốc gia khác muốn tham gia các sự kiện riêng lẻ với tư cách là người quan sát," ông này nói.
Với dân số khoảng 3,5 tỷ người, khối BRICS mở rộng chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm tới 36% GDP toàn cầu xét theo sức mua tương đương (PPP) so mức 30% của khối G7. Trong vòng 4 năm tới, người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), Dilma Rousseff, cho biết BRICS đặt mục tiêu vượt qua G7 về GDP danh nghĩa toàn cầu.