Tên lửa ACTAMS của Mỹ được thử nghiệm tại trường bắn tên lửa White Sands, New Mexico vào tháng 12/2021. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 300 km. Ảnh: Quân đội Mỹ |
Bắt đầu từ ngày 17/11, nhiều hãng tin phương Tây bao gồm CNN và New York Times đã đưa tin về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS do nước này cung cấp để nhắm vào các địa điểm bên trong biên giới trước năm 2014 của Nga. Các hãng tin này trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, trong khi Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào.
Nhận định về các thông tin trên, RT trích dẫn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong tuyên bố tối ngày 18/11 cho biết bất kỳ động thái nào như vậy sẽ "thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột".
Theo bà, việc Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ và các đồng minh của nước này “trực tiếp tham gia vào các hành động thù địch chống lại Nga”. Trong trường hợp này, bà cho biết phản ứng của Nga sẽ được tiến hành theo cách “thỏa đáng và hữu hình”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng nhắc lại những cảnh báo trước đó của Tổng thống Vladimir Putin về việc các quốc gia phương Tây có khả năng cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine. Cụ thể hồi tháng 9, ông Putin tuyên bố rằng bất kỳ động thái nào nhằm trang bị cho quân đội Ukraine khả năng tấn công này đều sẽ buộc Moscow phải đưa ra "những quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa đối với chúng tôi."
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng những hành động như vậy sẽ đại diện cho sự thay đổi trong việc "các quốc gia NATO có tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự hay không."
Điện Kremlin liên tục coi viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này. Tuy nhiên, Ukraine cho rằng việc Mỹ thông qua quyết định này sẽ giúp thay đổi tình hình chiến sự đáng kể.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Sybiga nhận định với các phóng viên trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đánh dấu 1.000 ngày kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt rằng: “Ukraine có thể tấn công càng xa thì cuộc chiến sẽ càng ngắn lại. Điều này có thể có tác động rất tích cực đến tình hình trên chiến trường”.
Các diễn biến này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế, trong đó có Hàn Quốc, Mỹ và Ukraine, đã lên tiếng về việc Triều Tiên đưa hơn 10.000 binh sĩ đến Nga để huấn luyện và phần lớn lực lượng này đã tham gia chiến đấu tại khu vực biên giới Kursk của Nga – nơi quân đội Ukraine kiểm soát một phần lãnh thổ kể từ tháng 8/2024.
Những báo cáo về thương vong của binh sĩ Triều Tiên cũng làm gia tăng lo ngại về tình hình an ninh tại khu vực và có thể tạo ra những căng thẳng mới khi đang diễn ra cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, cả Nga và Triều Tiên đã bác bỏ cáo buộc, đồng thời khẳng định ngay cả khi lính Triều Tiên được điều động đến Nga, điều đó cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Phía Nga cũng nhấn mạnh, sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên không nhằm vào bên thứ ba nào.