TASS đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với đài Komsomolskaya Pravda ngày 1/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Thực tế, Tổng thống (Vladimir Putin) đã nhiều lần nói rằng Nga đã và vẫn luôn cởi mở trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao”.
“Tổng thống đã nhiều lần tuyên bố rằng chúng tôi sẵn sàng đàm phán, vì đây là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu của chúng tôi,” ông Peskov nói thêm.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters |
Ông Peskov chỉ ra rằng, từ trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Nga Putin “đã có nỗ lực cuối cùng để thúc giục phương Tây tham gia đàm phán”. Các văn bản dự thảo khi đó đã được chuẩn bị để khởi động các cuộc thảo luận về mối quan ngại an ninh của Nga. “Tuy nhiên, nó đã bị từ chối,” ông nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho rằng nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột Nga - Ukraine nằm ở việc một số bên nỗ lực tạo ra một Kiev là trung tâm chống Moscow. "Cuộc xung đột ở Ukraine khá phức tạp. Một mặt, nó cũng khá đơn giản. Nguyên nhân thì đã rõ, họ đã cố gắng biến Ukraine thành trung tâm chống Nga và biến nước này thành nơi tập trung các lực lượng chống Nga ngay cạnh biên giới của chúng tôi," ông Peskov nói.
Quan chức này lưu ý rằng Kiev đã buộc phải đưa ra lựa chọn giữa phương Tây và Moscow khi đặt hai bên cạnh nhau. “Điều này về bản chất là sai lầm. Và kết quả là chúng ta có những gì chúng ta có," ông cho hay.
Khi được hỏi về khả năng tham dự một hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine, ông Peskov nêu rõ: “Trước hết, cho đến nay, vẫn chưa có hội nghị thượng đỉnh nào có sự tham gia của Nga được lên kế hoạch”.
“Thỉnh thoảng, chúng tôi có nghe thấy những thông tin rời rạc về sự tham gia của Nga, thực ra là do một số lượng lớn những bên tham gia sự kiện đầu tiên (hội nghị tại Thụy Sĩ) khởi xướng,” ông nói. "Và những người tham gia này cũng đã nói về những thứ mà chúng tôi đã nói, rằng một sự kiện quyết định số phận của Ukraine sẽ trở nên vô nghĩa và không thực tế nếu không có sự tham gia của Nga. Điều đó là không thể và vô nghĩa".
Quan chức Điện Kremlin cho biết đã có ý kiến cho rằng Nga có thể được mời tham dự một hội nghị hòa bình tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Các sự kiện này nhằm thảo luận về một chương trình nghị sự cụ thể, nhưng lại không có chương trình nghị sự nào phù hợp với chúng tôi được nêu ra”.
Ukraine chưa bình luận về tuyên bố của Điện Kremlin.
Thụy Sĩ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine lần thứ nhất (từ ngày 15-16/6), với hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia. Nga không được mời tham dự hội nghị này, trong khi Trung Quốc và một số quốc gia từ chối tham gia vì cho rằng Moscow cần phải là một phần của quá trình đàm phán.
Quang cảnh phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ, ngày 15/6. Ảnh: Reuters |
Hội nghị xoay quanh 3 điểm chính trong “công thức hòa bình 10 điểm” do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất nhằm chấm dứt xung đột với Nga, gồm an ninh hạt nhân, lương thực và trao đổi tù nhân. Sau 2 ngày họp nhóm, hội nghị đã ra tuyên bố chung kêu gọi hòa bình với sự nhất trí từ 78 bên.Tuy nhiên, Điện Kremlin cho rằng hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ đã mang lại kết quả không đáng kể và cho thấy sự vô ích của việc tổ chức các cuộc đàm phán mà không có Nga.
Vào tháng 6, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Trong đó, Nga sẵn sàng ngay lập tức mở các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine nếu Kiev rút lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ mới của Moscow – những vùng cần được quốc tế công nhận; Ukraine cam kết giữ nguyên trạng thái trung lập, chính thức không gia nhập NATO hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và cuối cùng là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Tuy nhiên, cả Ukraine và phương Tây đều đã bác bỏ đề xuất này. Tổng thống Nga Putin khi đó tuyên bố rằng ông không ngạc nhiên khi phương Tây từ chối kế hoạch của ông. Ông cho biết sẽ giữ lời đề nghị trên trong thời điểm hiện tại và nói thêm rằng các cuộc đàm phán xung quanh việc rút quân của Moscow “sẽ không bao giờ xảy ra”.