RT đưa tin, trong một tuyên bố vào ngày 25/8, Đại sứ quán Nga tại Pháp cho biết: “Ngay khi tin tức về vụ bắt giữ ông Pavel Durov nổ ra, chúng tôi đã ngay lập tức liên hệ với chính quyền Pháp để làm rõ lý do và yêu cầu họ đảm bảo bảo vệ quyền lợi và cung cấp quyền tiếp cận lãnh sự cho ông ấy”.
Tuy nhiên, cơ quan ngoại giao của Nga cho biết họ vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Paris. “Cho đến nay, phía Pháp vẫn đang tránh hợp tác về vấn đề này,” Đại sứ quán Nga nhấn mạnh, đồng thời cho biết các nhà ngoại giao đang liên lạc với luật sư của CEO Telegram.
Tỷ phú sáng lập kiêm CEO ứng dụng Telegram Pavel Durov. Ảnh: Reuters |
Trước đó, kênh truyền hình LCI đưa tin, CEO Telegram Pavel Durov – người có quốc tịch Nga - Pháp, đã bị bắt giữ tại sân bay Paris-Le Bourget vào tối 24/8 (giờ địa phương). Theo kênh truyền hình TF1, ông Durov sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 25/8 và có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm.
OFMIN - cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề bạo lực đối với trẻ vị thành niên Pháp, đã ban hành lệnh bắt giữ đối với CEO Telegram nhằm phục vụ cuộc điều tra sơ bộ, liên quan đến cáo buộc ứng dụng này không kiểm duyệt đầy đủ, thiếu hợp tác với chính quyền. Cảnh sát Pháp cho rằng các công cụ mã hóa của Telegram tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn, có thể khiến ông Durov bị cáo buộc đồng lõa trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, ấu dâm và gian lận.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vladislav Davankov đã thúc giục Pháp trả tự do ngay lập tức cho nhà sáng lập Telegram Pavel Durov. Ông cáo buộc rằng vụ bắt giữ doanh nhân công nghệ này “có thể có động cơ chính trị và được sử dụng để truy cập thông tin cá nhân của người dùng Telegram”.
Quan chức Nga này cho biết, trong trường hợp Pháp từ chối thả ông Durov thì “phải làm mọi cách để đưa ông ấy đến UAE hoặc Nga - tất nhiên là nếu ông ấy đồng ý”.
Ông Pavel Durov sinh ra tại St. Petersburg (Nga), có quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe). Năm 2006, ông thành lập nền tảng truyền thông xã hội VK, thường được mô tả là “Facebook của Nga”. Năm 2013, ông ra mắt Telegram, đặt trụ sở tại Dubai (UAE). Ông Durov rời Nga vào năm 2014 và chủ yếu sống ở UAE. Ông trở thành công dân Pháp vào năm 2021. Khối tài sản của ông Durov được Forbes ước tính khoảng 15,5 tỷ USD.
Telegram đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ứng dụng nhắn tin này được xếp hạng là một trong những mạng xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Telegram hiện có hơn 950 triệu người dùng và đặt mục tiêu đạt mốc một tỷ vào năm 2025.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022,Telegram trở thành nền tảng chính để cả Nga và Ukraine đăng tải nội dung về cuộc xung đột và tình hình chính trị liên quan.