Ngành thép gặp khó, Hòa Phát vẫn nộp ngân sách gần 7.400 tỷ đồng

HPG hoà phát
10:36 - 15/07/2022
Thép Hòa Phát Dung Quất nộp ngân sách nhiều nhất.
Thép Hòa Phát Dung Quất nộp ngân sách nhiều nhất.
0:00 / 0:00
0:00
6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) đã nộp vào ngân sách Nhà nước gần 7.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021, vượt xa số nộp của cả năm 2020.

Theo công bố từ phía Hoà Phát, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát. Cụ thể, tổng số nộp thuế, phí các loại của Thép Hòa Phát Dung Quất bao gồm thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa… đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ và đóng góp nhiều nhất trong số các công ty thành viên của Hòa Phát.

Với gần 1.600 tỷ đồng, Thép Hòa Phát Hải Dương đứng thứ 2, tăng 48% so với cùng kỳ. Năm 2021, công ty đã nộp vào ngân sách Nhà nước tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, số nộp riêng trên địa bàn Hải Dương là 1.758 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, trở thành doanh nghiệp đóng góp thuế lớn nhất tỉnh Hải Dương. Số nộp của Thép Hòa Phát Hải Dương chiếm tỷ trọng 13,3% tổng thu thường xuyên toàn tỉnh, chiếm 44% số thu của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Một số công ty thành viên của Tập đoàn có số nộp lớn cho ngân sách Nhà nước gồm: Ống thép Hòa Phát, Điện máy gia dụng Hòa Phát, Khoáng sản An Thông và Tôn Hòa Phát, Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Thép Hưng Yên….

Mặc dù ngành thép đang gặp khó khi giá thép giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng, đúng như nhận định của Chủ tịch Trần Đình Long trong ĐHĐCĐ 2022; tuy nhiên mức đóng góp ngân sách như trên cho thấy tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hoà Phát vẫn khả quan.

Thực tế, sản lượng tiêu thụ thép của Hoà Phát tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Trong tháng 6, Hoà Phát cung cấp ra thị trường 560.000 tấn thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC), tăng 14% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, sản lượng thép xây dựng đạt 348.000 tấn, tăng 51% so với tháng 6/2021. HRC là 202.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Trong quý 1/2022, Hòa Phát đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với quý 1/2021. Năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm trước. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 25.000-30.000 tỷ đồng, giảm 27,5%-13%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Hoà Phát vẫn chưa có nhiều đột phá sau khi lùi về vùng 20.000 đồng/cp. Sắp tới, sẽ có thêm hơn 1,34 tỷ cổ phiếu HPG được đưa vào lưu hành, nâng tổng số lên 5,8 tỷ đơn vị. Đây là số cổ phiếu doanh nghiệp trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 30%.

Thị trường thép trong nửa đầu năm 2022 đầy sóng gió khi tăng mạnh vào quý 1 (có lúc chạm mốc 19.000 đồng/kg) nhưng rồi lao dốc vào quý 2 khi trải qua 7 lần giảm giá. Hiện giá thép xây dựng dao động trong khoảng 16.000 đồng/kg. Nguyên nhân là vì nhu cầu thép trong nước vẫn đang suy yếu. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết giá cả xăng dầu và tiền lương lao động tăng kéo theo các chi phí sản xuất tăng theo. Trong khi đó, nhu cầu thép ở các công trình thấp.

Thông thường, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng 7 - 9 khá trầm lắng do thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong quý 3. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân đầu tư công không được như kỳ vọng; lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới cũng là yếu tố rủi ro mà ngành thép đang phải đối mặt.

Tin liên quan

Đọc tiếp