Ngũ Nhạc linh từ - Một nét riêng ở danh thắng Côn Sơn (Hải Dương)

Ngũ Nhạc linh từ - Một nét riêng ở danh thắng Côn Sơn (Hải Dương)

Ngũ Nhạc Hải Dương
16:21 - 04/02/2023
“Ngũ Nhạc linh từ” là những miếu thờ thiêng liêng nằm trên dãy núi Ngũ Nhạc. Tại đây, hàng năm diễn ra lễ tế quan trọng trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc nhằm cầu phúc, tránh họa, mong cho mùa màng tươi tốt, phong đăng hòa cốc, quốc thái dân an.

Dãy núi Ngũ Nhạc ở xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương có 5 đỉnh núi thiêng tượng trưng cho 5 phương, gồm tứ phương và trung phương (Đông, Nam, Tây, Bắc, Trung tâm).

Mỗi phương ứng với một hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Trên mỗi đỉnh của Ngũ Nhạc được xây một miếu thờ các thần tự nhiên Ngũ Phương Ngũ Lão quân gồm: Thanh Đế (phương Đông), Bạch Đế (phương Tây), Xích Đế (phương Nam), Hắc Đế (phương Bắc) và Hoàng Đế (Trung tâm).

Lễ tế trên Ngũ Nhạc linh từ trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương.

Lễ tế trên Ngũ Nhạc linh từ trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương.

Trong đó, Đông phương miếu tượng trưng cho hành mộc - màu xanh, Tây phương miếu tượng trưng cho cho hành kim - màu trắng, Nam phương miếu tượng trưng cho hành hỏa - màu đỏ, Bắc phương miếu tượng trưng cho hành thủy - màu đen, Trung phương miếu tượng trưng cho hành thổ - màu vàng.

Các vị thần thờ ở các miếu có chức năng cai quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản núi rừng, khe vực, cây cối… Truyền thuyết cho rằng, Ngũ Nhạc là vùng đất phúc mà các thần tiên ngự trị, ngao du, thưởng ngoạn phong cảnh đẹp của trần gian.

Theo các nguồn tư liệu, 5 ngôi miếu trên núi Ngũ Nhạc được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII - XIV. Các miếu có quy mô nhỏ, dài 3m, rộng 2m, cao 1m, xây dựng bằng đá tự nhiên. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, điều kiện tự nhiên, đến những năm đầu thế kỷ XXI, các miếu chỉ còn những ban thờ lộ thiên, kiến trúc đơn sơ bằng đá trát vữa vôi.

Năm 2004, công trình miếu Ngũ Nhạc và hệ thống đường bộ hành được trùng tu, tôn tạo. Sau hơn một năm thi công, ngày 13/2/2006 địa phương khánh thành năm miếu thờ trên núi Ngũ Nhạc cùng hệ thống đường bộ hành lên núi.

Các ngôi miếu với những mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao đều quay về hướng Nam - nơi có hồ Côn Sơn quanh năm nước biếc. Hệ thống đường bộ lên núi cũng được lát bằng đá xanh thuận tiện cho việc đi lại, đáp ứng nguyện vọng, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách.

Ngày nay, núi Ngũ Nhạc được che phủ xanh ngát bởi những rừng thông, keo, dẻ. Vào mùa xuân, trên đỉnh núi thường có mây trắng bao phủ, sương bay phảng phất…

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia hành lễ. Ảnh tư liệu.

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia hành lễ. Ảnh tư liệu.

Nơi diễn ra tế lễ trọng thể

Cũng theo các nguồn tư liệu, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc có từ thời Trần. Các lễ tế trước đây thường do các quan đầu triều làm chủ, nếu các quan đầu triều bận sẽ cử các quan địa phương thay mặt.

Hiện nay, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc trở thành một lễ trọng trong chương trình Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, được thực hiện theo nghi thức truyền thống.

Trước khi diễn ra lễ tế, di tích được quét dọn; cây cối trên các đường đi được phát quang; đội múa lân, đội tế, đội nhạc được chuẩn bị kỹ càng. Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị các lễ phẩm tại các miếu như hoa, quả, bánh kẹo, tiền vàng, sớ, ngũ cốc (thường là thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng), xôi, lễ tam sinh... và được tổ chức vào sáng ngày 17 tháng Giêng hàng năm.

Phát tặng ngũ cốc cho các sở, ngành, đoàn thể, nhân dân và du khách thập phương sau lễ tế tại miếu Trung Nhạc. Ảnh tư liệu.

Phát tặng ngũ cốc cho các sở, ngành, đoàn thể, nhân dân và du khách thập phương sau lễ tế tại miếu Trung Nhạc. Ảnh tư liệu.

Đến giờ hành lễ, đoàn lễ tập trung ở trước cửa nghi môn của núi Ngũ Nhạc để lên các miếu theo trình tự. Đi đầu là đội múa lân, đội nhạc lễ, đội tế, đoàn đại biểu, nhân dân và du khách thập phương. Miếu Bắc Nhạc là điểm đầu tiên đoàn đến làm lễ, tiếp đến là miếu Trung Nhạc, miếu Tây Nhạc, miếu Đông Nhạc, miếu Nam Nhạc.

Tâm điểm là lễ tế Trời, Đất ở miếu Trung Nhạc. Tại đây, lễ tế diễn ra theo nghi thức cổ truyền. Sau khi đại diện lãnh đạo các cấp làm lễ dâng hương, đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh tiến hành làm lễ ngũ phương và tuyên chúc văn. Tiếp đó, đại diện lãnh đạo tỉnh vái Trời, Đất (vái 4 phương) và đọc lời cầu chúc quốc thái, dân an, ban ngũ cốc cho các sở, ngành, đoàn thể, nhân dân, du khách.

Năm loại hạt giống mang ý nghĩa đã hấp thụ tinh hoa của trời đất, khí thiêng sông núi, để mọi người mang về gieo trồng, nhân giống cho mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển.

Theo quan niệm dân gian, nghi lễ ban ngũ cốc còn thể hiện khát vọng một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh, đất nước thịnh trị, thái bình…

Đọc tiếp