Người biểu tình Sri Lanka đồng ý trả lại các tòa nhà chính quyền

Biểu tình Sri Lanka
17:41 - 14/07/2022
Người biểu tình tràn vào văn phòng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe hôm 13/7. Ảnh: AFP
Người biểu tình tràn vào văn phòng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe hôm 13/7. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 14/7, những người biểu tình chống chính phủ Sri Lanka thông báo sẽ chấm dứt chiếm giữ các tòa nhà chính quyền, nhưng họ tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực hạ bệ tổng thống và thủ tướng nước này.

"Chúng tôi đang rút khỏi Phủ tổng thống và Văn phòng thủ tướng một cách hòa bình và có hiệu lực ngay lập tức. Nhưng cuộc đấu tranh của chúng tôi vẫn tiếp tục diễn ra", đại diện người biểu tình Sri Lanka hôm nay cho hay.

Nhà sư Omalpe Sobitha – người ủng hộ cuộc biểu tình, trước đó kêu gọi mọi người giao lại Phủ tổng thống hơn 200 năm tuổi này cho chính quyền, nhằm đảm bảo các tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác có giá trị được bảo tồn.

"Tòa nhà này là kho báu quốc gia và nó cần được bảo vệ. Phải có một cuộc kiểm đếm thích hợp và tài sản được trao trả lại cho nhà nước”, nhà sư có ảnh hưởng tại Sri Lanka này nhấn mạnh.

Người biểu tình tìm cách xông vào văn phòng Thủ tướng hôm 13/7. Đã xảy ra cuộc đụng độ và xịt hơi cay giữa cảnh sát và đám đông. Nguồn: Twitter @AlertChannel

Cuối tuần qua, hàng trăm nghìn người biểu tình trên khắp thủ đô Colombo đã tràn vào Phủ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Trước áp lực từ đám đông, ông Gotabaya đã phải sơ tán khẩn cấp. Ngay sau đó, ông cùng vợ và vệ sĩ phải chạy trốn sang Maldives bằng máy bay quân sự.

Vị Tổng thống này cũng cam kết sẽ từ chức vào hôm 13/7 để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông báo chính thức nào cho thấy ông gửi đơn từ chức. Trong khi đó, theo AFP, ông Gotabaya đang tiếp tục chuyến bay tháo chạy sang Singapore.

Hàng trăm nghìn người Sri Lanka đã đi biểu tình nhằm lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: Reuters

Hàng trăm nghìn người Sri Lanka đã đi biểu tình nhằm lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: Reuters

Không dừng lại ở đó, dòng người tiếp tục đổ sang Văn phòng của Thủ tướng Ranil Wickremesingh. Ông Wickremesinghe, người được ông Gotabaya bổ nhiệm làm quyền Tổng thống Sri Lanka đã yêu cầu các lực lượng an ninh cần “dùng mọi cách để sớm thiết lập lại trật tự” tại các tòa nhà của chính phủ. Đồng thời ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp lệnh giới nghiêm cho đến rạng sáng nay.

Đám đông cũng cố xông vào tòa nhà quốc hội nhưng thất bại. Theo báo cáo, 1 binh sĩ và 1 cảnh sát đã bị thương trong cuộc đụng độ đêm qua với người biểu tình bên ngoài tòa nhà. Bệnh viện chính ở thủ đô Colombo cho biết khoảng 85 người đã nhập viện vì bị thương hôm 13/7, trong đó có 1 người đàn ông chết ngạt vì bị tấn công bằng hơi cay tại Văn phòng thủ tướng.

Lực lượng cảnh sát dùng vòi rồng và xịt hơi cay để giải tán đám đông. Ảnh: AP

Lực lượng cảnh sát dùng vòi rồng và xịt hơi cay để giải tán đám đông. Ảnh: AP

Sri Lanka, quốc gia Nam Á với 22 triệu dân, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn 70 năm qua. Đất nước này thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men bị hạn chế. Lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến lên 70% trong những tháng tới.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã thổi bùng làn sóng bạo loạn, biểu tình lật đổ tổng thống và dẫn đến sự ra đi của hàng loạt quan chức chính phủ. Trong lúc này, Sri Lanka đang chứng kiến khoảng trống quyền lực chính trị, bất ổn về kinh tế và xã hội.

Nếu quyền tổng thống Wickremesinghe cũng thực hiện cam kết từ chức Thủ tướng đã đưa ra hôm 9/7, Chủ tịch Quốc hội nước này sẽ trở thành tổng thống lâm thời. Quốc hội Sri Lanka dự kiến họp ngày 15/7 và tân tổng thống sẽ được bầu vào ngày 20/7.

Theo nhiều nhận định, ngay cả khi lật đổ chính phủ cũ, nhưng những người tiếp theo lên nắm quyền tại quốc gia này sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc tiếp