Nhìn lại những thành tựu trong quan hệ Việt Nam - Lào giai đoạn 2017 - 2022

Việt nAM Lào
14:54 - 21/07/2022
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounhang Vorachith tại cuộc gặp năm 2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounhang Vorachith tại cuộc gặp năm 2019.
0:00 / 0:00
0:00
Trong lịch sử quan hệ quốc tế, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào là tấm gương mẫu mực về sự gắn kết bền chặt và sẻ chia cùng nhau. Trong giai đoạn 2017 - 2022, bất chấp khó khăn do Covid-19, quan hệ hợp tác hai nước vẫn ngời sáng trên nhiều lĩnh vực. 

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 – 05/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 – 18/7/2022), tác giả Hương Minh có bài viết “Nhìn lại 05 năm (2017-2022) trong quá trình xây dựng, vun đắp và phát triển quan hệ Việt Nam - Lào”:

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayson Phonvihan đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Trải qua năm tháng, mối quan hệ gắn bó thủy chung lâu đời đó đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và luôn được truyền tiếp cho các thế hệ mai sau, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:

"Việt Lào, hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long"

Lãnh đạo Việt Nam - Lào luôn khẳng định quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào là mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có, là quy luật phát triển, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, cần được giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Hai bên đã phát huy những cơ chế hợp tác sẵn có, đồng thời triển khai những cơ chế hợp tác mới; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược; thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.

Có thể kể đến các chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Lào.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tiếp các lãnh đạo cấp cao Lào.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tiếp các lãnh đạo cấp cao Lào.

Bên cạnh đó, chuyến thăm của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng của hai bên…; ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Chính phủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác; tập trung triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận và Tuyên bố chung được ký kết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thỏa thuận.

Dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc của mỗi Đảng và bầu cử Quốc hội ở mỗi nước; duy trì các chuyến thăm, các cuộc điện đàm và tiếp xúc cấp cao bằng nhiều hình thức linh hoạt.

Đặc biệt, hai nước đã phối hợp với Campuchia tổ chức thành công cuộc gặp giữa ba đồng chí đứng đầu ba Đảng Việt Nam – Lào – Camphuchia (tháng 9/2021). Đây là cuộc gặp lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ ba Đảng, ba nước kể từ năm 1990 đến nay.

Các ban của Đảng, bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể và địa phương hai nước đều ký kết và tích cực triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác song phương và thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau; chia sẻ kinh nghiệm và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác mà hai bên cùng quan tâm.

Đặc biệt liên quan đến các vấn đề lý luận, thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc đổi mới phát triển đất nước, từ năm 2017 đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức 5 cuộc hội thảo lý luận với các chủ đề: Hội nhập quốc tế: Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Lào; Phát triển nhanh, bền vững; Công tác tư tưởng trong điều kiện hiện nay: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp; Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới; Những vấn đề lý luận - thực tiễn mới trong văn kiện Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Công trình Nhà Quốc hội Lào ở Thủ đô Vientiane do Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Công trình Nhà Quốc hội Lào ở Thủ đô Vientiane do Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Trong 5 năm qua, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng; phối hợp tuyên truyền sâu rộng, hoàn thành nhiều công trình, dự án có ý nghĩa thiết thực khẳng định quan hệ về mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào: Hoàn thành Công trình Nhà Quốc hội Lào; Tượng đài Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam tại tỉnh Xaysomboun; Khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Chủ tịch Cayson Phonvihan tại Khu di tích Lao Khô tỉnh Sơn La; Dự án biên dịch các bộ sách kinh điển Mác - Ăngghen, Lênin và Hồ Chí Minh Toàn tập sang tiếng Lào và bộ phim tài liệu Chủ tịch Cayson Phonvihan, Chủ tịch Souphanouvong; tặng thưởng các huân chương, huy chương cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã hai lần hỗ trợ Đảng và Nhà nước Lào ứng phó với dịch Covid-19 số tiền mặt 2,65 triệu USD cùng trang thiết bị y tế trị giá hơn 2 triệu USD; tặng 1 triệu liều vaccine; cử các chuyên gia y tế và quân y sang hỗ trợ Lào chống dịch.

Đảng, Nhà nước Lào và các doanh nghiệp của Lào cũng đã hỗ trợ Việt Nam 1,7 triệu USD (trong đó doanh nghiệp là 1,4 triệu USD). Hai bên phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân hai nước, lưu học sinh xuất nhập cảnh, cách ly, sinh sống và học tập bình thường.

Về đối ngoại, hai bên thiết lập và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế tham vấn thường niên cấp Trưởng Ban đối ngoại Trung ương và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; tăng cường trao đổi thông tin về tình hình thế giới, khu vực và hai bên cùng quan tâm.

Việt Nam và Lào cùng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong các hoạt động tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar - Việt Nam (CLMV), Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong, góp phần nâng cao uy tín và vị thế mỗi nước

Hai bên luôn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước; thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác 05 năm và Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước.

Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam – Lào; ký 02 văn kiện pháp lý “Nghị định thư về đường biên giới và mốc giới Việt Nam - Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào”; nâng cấp một số cửa khẩu chính lên cửa khẩu quốc tế; duy trì cơ chế Cuộc họp thường niên giữa hai Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam – Lào.

Hai bên cơ bản hoàn thành Thỏa thuận cấp cao Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước; đồng thời duy trì trao đổi thông tin, tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng; phối hợp tuần tra chung, tìm kiếm cứu nạn; phòng chống tội phạm…

Việt Nam và Lào tích cực triển khai các hiệp định giữa hai Chính phủ; Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật Việt Nam – Lào; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục ký kết nhiều văn kiện hợp tác, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Về kinh tế, tính đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Hoàn thành dự án công trình Nhà Quốc hội mới của Lào, đây là món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào, là biểu tượng quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Hữu nghị tại tỉnh Houaphanh và tỉnh Xieng Khouang của Lào.

Hai bên tiếp tục thúc đẩy, đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam – Lào, Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào…; chủ động, tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết và cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan,...

Kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào giai đoạn 2016-2020 đã có những bước tiến đáng kể, tốc độ tăng bình quân 4%/năm. Kim ngạch thương mại năm 2021 đạt trên 1,37 tỷ USD (tăng khoảng 33,3% so với năm 2020). Hai nước phấn đấu tăng kim ngạch thương mại mỗi năm 10% trong giai đoạn 2021-2025.

Hai bên triển khai Hiệp định hợp tác và đầu tư phát triển cụm bến cảng 1,2,3 tại cảng Vũng Áng; hoàn thành dự án xây dựng sân bay Nongkhang tại tỉnh Houaphanh; ký kết Thỏa thuận về xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng – Vientiane; phối hợp đề nghị Nhật Bản xem xét triển khai thực án dự án tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane.

Về y tế, công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân Lào tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh có chung đường biên giới và công tác phối hợp khám, chữa bệnh từ xa tiếp tục được quan tâm thúc đẩy; Việt Nam luôn tạo điều kiện giúp Lào đào tạo cán bộ y tế; phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hai bên tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực trong Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020.

Việt Nam nâng cao công tác quản lý, tiếp nhận, đào tạo du học sinh Lào, điều chỉnh các chế độ học phí, sinh hoạt phí, tạo điều kiện cho công tác đào tạo ngày càng hiệu quả. Hai bên phối hợp đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các cơ sở đào tạo và các cơ quan của Lào; hoàn thành biên soạn và bàn giao chương trình tiếng Việt (thực hiện thí điểm) từ lớp 1 đến lớp 12 để giảng dạy tại các trường có nhu cầu và có đủ điều kiện tại Lào; biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt cho học sinh lào; thí điểm dạy song ngữ Việt – Lào trong trường song ngữ Nguyễn Du, xây dựng từ điển Việt – Lào.

Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Hai bên cũng thúc đẩy triển khai các dự án sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới trường học tại Lào. Cuối năm 2020, hai bên ký kết Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2030, theo đó mỗi năm Việt Nam dành cho Lào hơn 1000 suất học bổng đào tạo và bồi dưỡng và Lào dành cho Việt Nam 60 suất học bổng.

Những kết quả trên đây là minh chứng rõ ràng nhất của mối quan hệ hữu nghị, vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, thủy chung, mẫu mực của Việt Nam và Lào. Tiếp nối truyền thống anh hùng trong kháng chiến đánh đuổi thực dân và đế quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào luôn ý thức được cần phải thường xuyên, liên tục củng cố, vun đắp và phát triển hơn nữa tình hữu nghị này, là điểm sáng trong quan hệ láng giềng của cả khu vực và trên thế giới.

Đọc tiếp