Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công. |
“Với những kết quả đã đạt được trong năm 2023, cùng với các định hướng của ban lãnh đạo, sự đồng hành của các cổ đông, các khách hàng, tôi tin tưởng Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong năm 2024,” trích phát biểu của ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 tổ chức ngày 20/4 vừa qua của PGBank.
Đúng như nhận định của ông Hùng, PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn, và xuất hiện sự tham gia của Tập đoàn Thành Công. Ngân hàng này đổi tên từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex sang Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển, đồng thời thay đổi nhận diện thương hiệu.
Vào đầu năm 2024, PGBank lần đầu tăng vốn sau khoảng 10 năm giữ vị trí ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống, khi phát hành thành công 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng. PGBank cũng đang triển khai phương án chào bán 80 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.
Quá trình phát triển trong một năm qua của PGBank có những dấu ấn của Tập đoàn Thành Công (TC Group) của gia đình doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn.
“TCG là một trong những đối tác chiến lược của PGBank, vì vậy TCG sẽ tham gia với tư cách là một đối tác hỗ trợ, hợp tác trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng,” phát biểu của ông Phạm Mạnh Thắng – Chủ tịch HĐQT PGBank, trích biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Phạm Mạnh Thắng cho biết Tập đoàn Thành Công là một cổ đông của PGBank. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT TC Group cũng được giới thiệu trang trọng là một đại biểu khách mời.
Danh sách cổ đông và người được ủy quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PGBank. Ảnh: Biên bản ĐHĐCĐ PGBank |
ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 292,27 triệu cổ phần, tương đương 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Dù chỉ có 20 cổ đông tham dự, xét theo tỷ lệ tham dự, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2024 của BIDV có 184 người tham dự, đại diện cho 96,95% vốn điều lệ. Con số này của Vietcombank và Vietinbank lần lượt ở mức 95,31% và 85,83%.
Xét về cơ cấu sở hữu, PGBank hiện chỉ có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức.
Đây 3 doanh nghiệp mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Petrolimex. Cả 3 pháp nhân kể trên đều có nhiều liên hệ tới Tập đoàn Thành Công.
17 cổ đông còn lại đại diện cho hơn 172 triệu cổ phiếu PGB. Tính trung bình, mỗi cổ đông đứng tên cho hơn 10 triệu cổ phần, tương đương 3,33% vốn điều lệ PGBank.
Dữ liệu của Mekong ASEAN cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024 (trước khi tăng vốn thành công lên 4.200 tỷ đồng), PGBank có không ít các cổ đông 'gần lớn', sở hữu từ 10 – 14,9 triệu cố phiếu PGB, tức là thấp hơn mức 5% vốn điều lệ, vẫn chưa phải là cổ đông lớn của ngân hàng này.
Trong đó có thể kể đến ông Bùi Việt Bảo, sở hữu 14,6 triệu cổ phần (4,866% VĐL); bà Nguyễn Thị Thủy, sở hữu 13,91 triệu cổ phiếu (4,64% VĐL); bà Vũ Thị An Ninh, sở hữu 10,16 triệu cổ phiếu (3,386% VĐL); bà Văn Lê Hằng, nắm 14,33 triệu (4,776% VĐL); ông Trịnh Bình Long, sở hữu 14,65 triệu (4,88% VĐL); bà Nguyễn Thị Thu Hà, sở hữu 14,83 triệu (4,933% VĐL)…
Không ít cái tên kể trên có mối liên hệ mật thiết với Tập đoàn Thành Công, đơn cử như ông Trịnh Bình Long từng là giám đốc Công ty TNHH Thành Công Thanh Hóa; bà Văn Lê Hằng từng là cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán DSC, bà Nguyễn Thị Thu Hà là Thành viên HĐQT của Chứng khoán DSC.
Những cổ đông lớn và cổ đông ‘gần lớn’ nắm giữ xấp xỉ 289 triệu cổ phần, tương đương hơn 96% vốn điều lệ PGBank. Đây có thể được coi là cơ cấu sở hữu cô đặc bậc nhất hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
Tham vọng ở mảng tài chính ngân hàng
Thành lập năm 1999, TC Group sau hơn 2 thập kỷ phát triển đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu cả nước, với những đóng góp lớn cho nền công nghiệp ô tô Việt Nam nói riêng và sự phát triển kinh tế đất nước nói chung.
Sau nhiều thập kỷ tích góp nguồn lực ở mảng ô tô và mở rộng mạnh mẽ sang bất động sản, những động thái hoàn thiện hệ sinh thái của mình bằng việc tham gia mảng tài chính ngân hàng ngày càng hiện hữu tại Tập đoàn Thành Công.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (giữa) - Chủ tịch Tập đoàn Thành Công tại ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN |
Trước khi tham gia vào PGBank, nhóm Thành Công từng có thời gian dài làm cổ đông của Eximbank khi công khai sở hữu 13% cổ phần EIB. Tuy nhiên, TC Group đã thoái vốn vào tháng 10/2022 sau nhiều năm bất ổn định thượng tầng của Eximbank.
TC Group của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn không phải chờ đợi quá lâu. Vào tháng 4/2023, cuộc đấu giá lô cổ phần của PGBank được diễn ra, 3 nhà đầu tư mua trọn là các pháp nhân có nhiều liên hệ tới TC Group.
Tới phiên giao dịch 11/7/2023, có tới 155,7 triệu cổ phần PGBank được sang tay bằng phương pháp thỏa thuận, tương đương 52% vốn điều lệ ngân hàng.
PGBank sau đó nhanh chóng trở thành đối tác tín dụng mới của Thành Công. Trong gần một năm trở lại đây, PGBank đã triển khai nhiều gói dịch vụ hợp tác với TC Group, như mua xe Huyndai ưu đãi khi vay vốn tại PGB, chiết khấu khi nghỉ dưỡng tại các dự án của TC Group.
Dòng vốn tín dụng của PGBank cũng bắt đầu chảy vào hệ sinh thái Thành Công.
Tính đến cuối quý 1/2024, CTCP Chứng khoán DSC vay PGBank tổng cộng 546 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 450 tỷ đồng của thời điểm đầu năm, chiếm tương ứng 24,5% tổng nợ phải trả của DSC. PGBank cũng là đối tác tín dụng lớn thứ 2 của DSC, chỉ xếp sau Ngân hàng BIDV (vay ngắn hạn 1.305 tỷ đồng).
Chứng khoán DSC là một thành viên trong mảng tài chính dịch vụ của TC Group. Kể từ khi về hệ sinh thái Thành Công vào cuối năm 2020, DSC đã tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 2.048 tỷ đồng, là một trong những công ty chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường.
Một cái tên lớn khác là CTCP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng ngày 19/9/2023 đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Việt Hưng” tại PGBank chi nhánh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Khu công nghiệp Việt Hưng là một trong những dự án trọng điểm của TC Group ở thời điểm hiện tại. Dự án có diện tích hơn 300 ha, được chia chia làm 2 giai đoạn đầu tư, tính đến hết tháng 7/2023, CTCP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng đã hoàn thành tổng thể hạ tầng kỹ thuật đối với khoảng 208 ha, tương đương 70% diện tích dự án.
Theo luật các tổ chức tín dụng năm 2024, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên phải cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng cũng phải công bố công khai thông tin các cổ đông này.
Đây là một trong những chủ đề được cổ đông quan tâm tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua. Theo Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng, luật mới sẽ được áp dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng chứ không chỉ riêng PGBank. Theo ông Thắng, sẽ có khoảng 2 nghị định và 40 thông tư chuẩn bị được NHNN ban hành. PGBank sẽ thực hiện đúng theo các quy định này.