Vừa sau đại dịch, các “cơn sóng” khó khăn lại đến, tác động kép của ảnh hưởng rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và cuộc xung đột Nga – Ukraine đã gây ảnh hưởng đến thị trường và hoạt động doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp.
Khi 2023 được dự báo tiếp tục sẽ là một năm nhiều thách thức với các “cơn sóng” chưa ngủ yên, Mekong ASEAN trò chuyện với 3 doanh nghiệp nông sản Việt từ 3 vùng miền của đất nước về những lựa chọn khác nhau của họ trong cách đối diện, vượt qua và chinh phục khó khăn.
Là người mang khát vọng xây dựng con đường hương liệu quốc tế từ sản phẩm hồi, quế của Việt Nam, Tổng giám đốc Vinasamex bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ về năm 2022, sau khi Covid-19 đi qua, thế giới đối diện với suy thoái kinh tế và lạm phát, nhu cầu giảm xuống, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhất là với những mặt hàng không thiết yếu.
May mắn là việc tiêu thụ các sản phẩm gia vị vẫn duy trì tốt vì được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày, bà Huyền cho biết, những sản phẩm trà quế, bánh quế lại được ưa chuộng hơn vì xu hướng chăm sóc sức khỏe sau đại dịch được chú trọng, đặc biệt là các nguyên liệu làm dược liệu.
Các hộ trồng rừng Yên Bái tham gia vào chuỗi sản xuất hữu cơ của Vinasamex. |
“Vinasamex nắm được xu hướng của thị trường, nên thay vì chỉ bán sản phẩm làm gia vị thông thường, công ty đã phát triển sâu hơn các sản phẩm phân khúc mới theo thị hiếu nên sản lượng của công ty năm 2022 không giảm mà còn khắc phục những khó khăn trước mắt”, bà Huyền nói.
“Nếu 2022 là một năm nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp kinh doanh hay giải thể, gặp khó khăn dòng tiền thì Vinasamex lại khởi công xây dựng được thêm nhà máy quế hồi hữu cơ ở Bảo Thắng - Lào Cai, tiêu thụ nguyên liệu cho ít nhất 1.000 – 2.000 hộ nông dân tại địa phương. Bằng việc trở thành thành viên trong chuỗi nông nghiệp hữu cơ của công ty, những người nông dân đó đã cùng với chúng tôi, cùng tăng sinh kế", bà Huyền tự hào nói với Mekong ASEAN.
Nhận định năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn nhưng Tổng giám đốc Vinasamex đã định vị năm tới sẽ là hành trình bứt phá của công ty sau 10 năm thành lập.
“Tôi vẫn nói với các cộng sự trong công ty rằng: Nếu có đích rồi thì sao phải vội? Nếu đã xác định được mục tiêu thì không cần phải lo sợ trước bất cứ khó khăn nào, hãy bình tĩnh tự tin đoàn kết mà đối diện và vượt qua”, Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc của Vinasamex nói.
Theo vị nữ “thuyền trưởng”, khi tham gia các hội chợ giao lưu thương mại và nhận ra rằng khách hàng của mình đang gặp khó khăn nên công ty đã sớm chuẩn bị phương án kinh doanh cho thời gian tiếp theo.
Trong thời điểm suy thoái kinh tế, công ty sẽ tranh thủ rà soát, cải tiến lại nhà máy, quy trình sản xuất. Xem xét lại toàn bộ hệ thống để tối ưu được chi phí sản xuất, hạ giá thành thấp nhất có thể, đảm bảo khách hàng vẫn đủ khả năng tiêu dùng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Vinasamex có kế hoạch thay đổi cơ cấu sản phẩm. Hai trong ba nhà máy sẽ tập trung vào chiết xuất tinh chất từ tinh dầu quế, hoa hồi có tính dược cao để làm thuốc kháng viêm, phòng ngừa HIV, chống đột quỵ, bổ sung máu, điều trị cảm cúm…
Công ty cũng chú trọng đảm bảo sự ổn định của dòng tiền, có kế hoạch phát triển kinh doanh bổ trợ thêm lên các kênh thương mại điện tử toàn cầu, cắt giảm bớt các khâu trung gian để giảm chi phí cho người tiêu dùng.
Tạm gác lại câu chuyện của hàng nghìn nông hộ quế hồi ở miền Bắc trong chuỗi nông nghiệp hữu cơ Vinasamex, đến với vùng đất Tây Nguyên sẽ thấy một tinh thần vượt khó khăn rất lạc quan của vị giám đốc nông dân quanh năm gắn bó với cây cà phê.
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công cho biết, năm vừa qua, những hệ lụy từ đại dịch khiến việc bán hàng chậm trễ.
“Tuy nhiên từ trong khó khăn, doanh nghiệp nào vẫn có thể vụt sáng thì sẽ là cách để khẳng định mình. Bản thân tôi xây dựng văn hóa công ty luôn hướng tới sự đoàn kết, vui vẻ, tích cực. Các nhân viên trong công ty không được nói hay suy nghĩ tiêu cực, sẽ bị phạt 50.000 đồng. Tiền này cuối năm để anh em liên hoan thôi”, ông Vương vui vẻ chia sẻ.
Khi được hỏi về một câu chuyện nhỏ nhưng để lại dấu ấn đáng nhớ trong năm vừa qua của công ty, ông Vương chia sẻ, có đoàn khách Nhật Bản sang trải nghiệm sản phẩm ở Vương Thành Công sau đó đã làm thủ tục hải quan và nhập khẩu sản phẩm của công ty về nước theo hình thức giữ nguyên thương hiệu.
“Bình thường khách hàng sẽ mua nguyên liệu cà phê về chế biến và bán với thương hiệu của họ. Nhưng chúng tôi muốn tiến tới bán thương hiệu cà phê Việt chứ không chỉ mãi bán nguyên liệu làm cà phê. Nên lô hàng đi Nhật đó có giá trị nhỏ nhưng lợi ích thương hiệu mang lại lớn”, ông Vương tự hào chia sẻ.
Đây là câu chuyện đắng của cà phê Việt Nam bao năm qua, khi hạt cà phê Robusta của Việt Nam được đánh giá ngon nhất nhì thế giới nhưng chưa có nhiều thương hiệu cà phê Việt vươn ra thị trường quốc tế.
“Có người nói tôi bảo thủ. Nhưng đây là câu chuyện dài, cần sự chung tay của cộng đồng cà phê Việt Nam. Làm vì giá trị đem lại cho xã hội sẽ trân quý hơn nhiều so với làm chỉ vì lợi nhuận. Rất may trên con đường tôi chọn có sự đồng hành của người bạn đời của mình. Từ nét văn hóa của gia đình tôi áp dụng dần cho doanh nghiệp”, ông Vương nói.
Theo Giám đốc Vương Thành Công, nhờ điểm tựa là các giá trị văn hóa doanh nghiệp bất di bất dịch - luôn tích cực, hướng tới những giá trị cho xã hội nên công ty đã vượt qua những khó khăn hiện có, mở rộng được thêm khách hàng nước ngoài (Australia, Siri Lanka, Nhật Bản) và bắt đầu ghi dấu ấn thương hiệu ở thị trường quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian sản phẩm cà phê của Vương Thành Công. |
Nói về năm tới 2023, ông Vương cho biết, qua việc nắm thông tin tại các hội thảo, diễn đàn, thông tin thị trường, Vương Thành Công cũng đã chuẩn bị thế thủ trước bối cảnh biến động để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến công ty.
“30% của thành công có được là nhờ chuẩn bị tốt. Mà thứ cần chuẩn bị tốt nhất thời điểm này là tâm lý.Chúng tôi luôn xác định, khó khăn chỉ là thử thách, lúc khó khăn mới lộ ra đấng anh hào. Nghĩa là nói đến bản lĩnh, kiên cường, dám đương đầu có thể vượt qua mọi gian nguy trong bất cứ hoàn cảnh nào là quyết tâm của Vương Thành Công”, ông Lê Văn Vương chia sẻ.
Về kế hoạch cụ thể, đối với các khách hàng, ông Vương cho biết công ty sẽ chuẩn bị các phương án hợp đồng liên kết uy tín để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, tránh việc phải hoang mang trước biến động thị trường, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2023.
Cùng chung khó khăn với các doanh nghiệp nông sản khác khi nhiều thị trường lớn có dấu hiệu đi xuống từ quý II/2022, “ông vua” Nha đam Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT G.C Food đã có những bước đi thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh của mình.
Là doanh nghiệp có quy mô sản xuất sản phẩm từ cây nha đam lớn nhất của Việt Nam, ông Thứ cho biết, đầu năm 2022 sau khi đại dịch được kiểm soát, tinh thần các doanh nghiệp khá hồ hởi, khôi phục lại sản xuất, sẵn sàng đầu tư mở rộng để nắm bắt cơ hội mới. Tuy nhiên từ quý II/2022, bối cảnh thế giới biến động đã khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu dùng trầm lắng, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.
Sản xuất nha đam tại nhà máy của G.C Food. |
Trong bối cảnh đó, GC Food cũng gặp phải sự biến động tỷ giá ở các thị trường lớn khiến khách hàng bị đội chi phí nhập hàng, nên tiêu thụ sản phẩm trở nên chậm lại. Do vậy, kết thúc năm 2022, doanh thu công ty tăng thấp hơn so với kế hoạch chỉ đạt khoảng 50% do chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán không tăng.
Kinh nghiệm của năm 2022 đã giúp cho G.C Food thay đổi chiến lược kinh doanh cho năm 2023. Ông Thứ cho biết, công ty đang chủ động mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo tăng giá mua cho nông dân nhưng vẫn giữ được tổng nguyên liệu đầu vào của công ty không tăng quá cao.
Công ty cũng cho ra nhiều sản phẩm kích cỡ nhỏ sử dụng trên một lần mua để mở rộng thị trường nội địa. Đối với thị trường nước ngoài, G.C Food một mặt xúc tiến hợp đồng với với các khách hàng cũ để ổn định sản xuất cho năm sau. Đồng thời, tiếp tục mở rộng sang thị trường Trung Đông, là thị trường mới nhiều tiềm năng của công ty.
“Doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm lý chấp nhận khó khăn, thận trọng hơn trong mở rộng đầu tư. Việc cần làm là giữ tâm lý bình tĩnh bảo toàn năng lượng và nguồn lực, nhưng luôn dõi ăng ten để nắm lấy cơ hội thị trường bứt phá ngay khi có thể”, ông Nguyễn Văn Thứ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch G.C Food, đây là khoảng thời gian cần tận dụng để nâng cấp sản phẩm theo xu hướng của thị trường, trang bị thêm các chứng nhận. Chuẩn bị dự phòng vốn, tài chính cho những rủi ro.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp, thực phẩm có nhiều công nghệ mới phát triển. GC Food sẽ dành nguồn lực nhất định về tiền và con người để nghiên cứu các công nghệ mới áp dụng vào sản xuất thực tế của doanh nghiệp.
Mỗi năm, G.C Food sản xuất hơn 5000 tấn nha đam thành phẩm phục vụ các công ty sản xuất trong nước và xuất khẩu tới Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia. Năm 2021, công ty đạt doanh thu thuần hơn 334 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 35,2 tỷ đồng. Trong quý 3/2022, doanh thu thuần của G.C Food đạt hơn 110 tỷ đồng, lợi nhuận thu về 2,8 tỷ đồng.
Ba doanh nghiệp trên đến từ ba vùng miền của đất nước, sản xuất sản phẩm từ ba loại nông sản khác nhau. Họ chia sẻ một điểm chung là đều chuẩn bị cho doanh nghiệp mình một tâm lý bình tĩnh, đối diện thử thách và dám đối đầu với những khó khăn. Đây là tinh thần của doanh nhân Việt Nam, để cùng kỳ vọng xuất khẩu nông sản Việt tiếp tục thắng lợi trong năm 2023.