Chị Nguyễn Thị Bình, 35 tuổi, thường chọn siêu thị Aeon Phạm Văn Đồng (Hà Nội) để mua sắm nhu yếu phẩm. “Tôi thường mua thực phẩm trong siêu thị vì thấy người ta bảo hàng hóa ở đây đảm bảo hơn ngoài chợ. Thật ra thì tôi không biết thực hư thế nào, cũng không có gì để chắc chắn 100% nhưng vì nhiều người bảo vậy thì mình cũng vào siêu thị để mua cho yên tâm. Chí ít khi ăn có vấn đề gì, mai quay lại siêu thị đó bắt đền được, còn mua ngoài chợ, không biết người bán ở đâu mà tìm”, chị chia sẻ.
Chị Bình gửi gắm niềm tin vào các sản thực phẩm, nông sản trong bữa ăn gia đình mình theo cách “người ta bảo vậy”.
Chị chấp nhận mức giá chênh hơn so với bên ngoài nhưng vẫn không thật hoàn toàn tin tưởng vào các sản phẩm trong siêu thị. Trong khi đó, những người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm ở các chợ dân sinh bởi sự tiện lợi thì tỏ ra lưỡng lự khi đề cập đến vấn đề an toàn.
Tại chợ Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị Trần Hương Lan, 42 tuổi, chia sẻ: “Tranh thủ vào chợ mua đồ cho nhanh, rau quả ở đâu cũng phun thuốc bảo vệ thực vật. Thực trạng chung thế rồi mình tránh cũng không được. Kinh nghiệm là chọn những người bán hàng có số lượng ít, ngồi nhỏ lẻ thì có thể hy vọng đấy là của nhà họ trồng sạch, ăn không hết đem bán”.
Các nhà quản lý thị trường có đang bất lực?
Từ những mơ hồ trong niềm tin của người tiêu dùng đối với vấn đề thực phẩm sạch, chia sẻ với Mekong ASEAN, bà Nguyễn Thị Thu Liên, Trưởng Đại diện Hiệp hội thực phẩm minh bạch (AFT) tại Hà Nội cho biết, về mặt pháp lý, thị trường thực phẩm hiện đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, thị trường ngày càng phát triển, sôi động hơn nên công tác quản lý về thực phẩm còn một số vướng mắc.
Đặc biệt là vấn đề niềm tin của người tiêu dùng đối với các thực phẩm, nông sản hiện nay trên thị trường. Theo quan sát của bà Liên, người tiêu dùng đi mua hàng với phần lớn tâm lý là “hên – xui”, chưa có thể hoàn toàn tin tưởng những sản phẩm đang được cung ứng.
Nguyên nhân được Trưởng Đại diện AFT Hà Nội nhận định là đến từ thực tế ranh giới giữa thực phẩm sạch, chất lượng đảm bảo và thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc chưa thực sự rõ ràng. Các sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc trên thị trường cũng có 3-4 loại khác nhau. Có những loại chỉ để đối phó không thể hiện rõ thông tin mà người tiêu dùng cần kiểm chứng.
Báo chí truyền thông là công cụ sắc bén
Trong bối cảnh thực trạng thị trường thực phẩm hiện nay, Trưởng đại diện AFT Hà Nội cho rằng, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng để giúp người tiêu định hướng niềm tin.
“Các cơ quan thông tấn, báo chí phải bảo vệ cái tốt, cái sạch. Báo chí là công cụ sắc bén phân chia rạch ròi thực phẩm bẩn và sạch, làm rõ các nghi vấn cho người tiêu dùng trước thực trạng thị trường hiện nay. Đây cũng là kênh cung cấp thông tin cụ thể về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn tới chính độc giả của mình”, bà Nguyễn Thị Thu Liên nhận định.
Trên cơ sở khẳng định vai trò của báo chí trong xây dựng niềm tin người tiêu dùng, Trưởng đại diện AFT Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chiến dịch truyền thông tôn vinh thực phẩm sạch, khuyến khích họ phát triển.
Một gian hàng rau sạch hữu cơ được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Phương Thảo. |
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể kiến tạo các chương trình bình chọn sản phẩm trực tuyến từ người tiêu dùng, các hiệp hội, chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thông tấn báo chí… để bầu ra top đầu các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm minh bạch, an toàn chính xác nhất, từ đó bảo chứng niềm tin tuyệt đối với thị trường.
Bà Liên cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách, định hướng chỉ đạo các cơ quan báo chí ưu tiên hỗ trợ truyền thông các doanh nghiệp làm thực phẩm sạch, giúp họ lớn mạnh để nhân rộng các mô hình, hệ thống.
“Câu chuyện con cá, mớ rau tưởng chừng là câu chuyện nhỏ nhưng đây hoàn toàn là vấn đề đại sự của đất nước, liên quan đến thể chất, trí tuệ của con người Việt Nam. Do đó, công tác truyền thông cho tư duy sử dụng thực phẩm, nông sản sạch là rất quan trọng”, bà Nguyễn Thị Thu Liên nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, công tác truyền thông sẽ góp phần tác động đến nhận thức ở tầm vĩ mô, tác động vào những nhà sản xuất, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Thực tế Chính phủ đã nhìn thấy sự cấp thiết này khi phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 (ngày 28/3/2023).