Cột tro bụi trên bầu trời trên đảo Halmahera, tỉnh Bắc Maluku, Indonesia. Ảnh: AFP |
Theo AFP, hiện không có thiệt hại hay thương vong nào được báo cáo trong vụ núi lửa phun trào tại Indonesia. Tuy nhiên, các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một cột tro bụi bao phủ bầu trời trên đảo Halmahera, tỉnh Bắc Maluku.
Giới chức địa phương cho biết cột tro bụi cao này đã đạt tới độ cao hơn 5 km so với đỉnh núi lửa. Đây là một trong những vụ núi lửa phun trào lớn nhất trong những tháng gần đây tại Indonesia.
Video núi lửa Ibu phun trào tạo ra cột tro bụi khổng lồ. Ảnh: Video: X/@storylineglobal |
Trong tuyên bố ngày 13/5, ông Muhammad Wafid – người đứng đầu Cơ quan Địa chất Indonesia, cho biết cột tro bụi có “cường độ dày đặc, nghiêng về hướng tây”. Ông khuyến cáo các cư dân gần đó cần đeo khẩu trang và đeo kính khi đi ra khỏi nhà để tránh bị tro núi lửa rơi xuống.
Hồi tuần trước, giới chức nước này đã nâng mức cảnh báo đối với núi lửa Ibu lên mức thứ hai trên thang 4 cấp độ, cũng như thiết lập vùng cấm từ 3-5 km xung quanh miệng núi lửa.
Ibu là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh nhất ở Indonesia, với khoảng 21.000 lần phun trào vào năm ngoái. Theo đó, Ibu đã ghi nhận trung bình 58 vụ phun trào mỗi ngày trong năm 2023, ông Sofyan Primulyana – quan chức Cơ quan Địa chất, cho biết.
Indonesia là quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến động địa chấn vì nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương - một vòng cung núi lửa và các đường đứt gãy bao quanh Thái Bình Dương.
Vào tháng trước, núi lửa Ruang ở tỉnh Bắc Sulawesi đã phun trào gần chục lần, buộc hàng nghìn cư dân trên các hòn đảo gần đó phải sơ tán. Cho đến nay, tình hình núi lửa này vẫn ở mức cảnh báo cao nhất, buộc toàn bộ khoảng 800 cư dân trên đảo Ruang sẽ phải di dời vĩnh viễn.