Núi lửa Lewotobi Laki Laki trên đảo Flores, Indonesia phun trào ngày 4/11/2024. Ảnh: AP |
Theo hãng tin AP dẫn lời ông Firman Yosef, một quan chức tại trạm giám sát núi lửa địa phương, núi lửa Lewotobi Laki Laki trên đảo Flores bắt đầu phun trào ngay sau nửa đêm ngày 4/11, sau đó phun trào lần nữa vào lúc 1h27 sáng và 2h48 sáng theo giờ địa phương.
Có khoảng 10.000 người đã bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào tại 6 ngôi làng lân cận là Pululera, Nawokote, Hokeng Jaya, Klatanlo, Boru và Boru Kedang ở quận Wulanggitang. Tại Quận Ile Bura, 4 ngôi làng bị ảnh hưởng bao gồm Dulipali, Nobo, Nurabelen và Riang Rita, trong khi đó tại Quận Titehena, 4 ngôi làng bị ảnh hưởng bao gồm Konga, Kobasoma, Bokang Wolomatang và Watowara.
Vật liệu núi lửa phun trào lên đến 6 km vào không trung từ miệng núi lửa, bao phủ các ngôi làng và thị trấn gần đó và buộc người dân phải di tản. Vụ phun trào cũng tạo ra các cột tro bụi nâu cao tới 2.000m lên không trung và khiến một số ngôi nhà ở lân cận bị cháy. Các bức ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hàng tấn mảnh vỡ núi lửa phủ kín những ngôi nhà lên đến tận mái nhà ở những ngôi làng như Hokeng, nơi vật liệu núi lửa nóng đã đốt cháy những ngôi nhà.
Cơ quan Quản lý Thảm họa Indonesia cho biết có tổng cộng 6 người đã thiệt mạng và con số này có thể thay đổi, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin vẫn đang được thu thập về mức độ thương vong và thiệt hại. Nhiều phương tiện truyền thông địa phương đưa tin hiện vẫn còn nhiều người bị chôn vùi trong những ngôi nhà bị sập.
Theo hãng tin AP dẫn lời người đứng đầu Quỹ Saint Gabriel giám sát các tu viện trên đảo Flores là Agusta Palma, một nữ tu ở làng Hokeng đã tử vong trong khi một người khác mất tích. "Các nữ tu của chúng tôi đã chạy ra ngoài trong hoảng loạn dưới cơn mưa tro núi lửa trong bóng tối," bà Palma cho biết.
Sau khi vụ phun trào núi lửa Lewotobi Laki Laki xảy ra, cơ quan giám sát đã tăng mức cảnh báo lên mức cao nhất và đồng thời gia tăng gấp đôi bán kính vùng cấm lên 7 km.
Indonesia là một quốc gia thường xuyên ghi nhận các vụ phun trào núi lửa do vị trí địa lý nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một khu vực có hoạt động núi lửa và địa chấn mạnh. Hồi tháng 12 năm ngoái, một vụ phun khiến ít nhất 24 người leo núi, trong đó hầu hết là sinh viên đại học, thiệt mạng.
Tới tháng 5/2024, hơn 60 người đã thiệt mạng sau khi mưa lớn cuốn trôi vật liệu núi lửa từ Marapi vào các khu dân cư. Trong cùng tháng, Núi Ruang ở tỉnh Bắc Sulawesi tiếp tục phun trào liên tục, buộc hàng nghìn người dân trên các đảo gần đó phải sơ tán.
Những ngôi nhà bị hư hại sau vụ phun trào của núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở đảo Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia ngày 4/11/2024. Ảnh: EPA |