Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP |
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Pravo của Czech ngày 4/3, bình luận về phản ứng của quốc tế đối với tuyên bố gây tranh cãi hồi tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: “Trả lời câu hỏi về việc đưa quân đến Ukraine, tôi đã nói rằng không loại trừ bất cứ điều gì”.
“Điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang xem xét việc triển khai quân đội Pháp đến Ukraine trong tương lai gần, mà đúng hơn là chúng tôi đang bắt đầu cuộc thảo luận và cân nhắc mọi thứ có thể làm để hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là trên lãnh thổ Ukraine,” ông Macron giải thích.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) tại cuộc họp các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris, Pháp, ngày 26/2. Ảnh: AP |
Theo nhà lãnh đạo Pháp, các bên tham gia cuộc họp vào tuần trước đã nhất trí về 5 lĩnh vực hợp tác gồm: an ninh mạng, sản xuất thiết bị quân sự chung cho Ukraine, hỗ trợ an ninh cho các quốc gia dễ bị tổn thương trực tiếp trong xung đột Nga - Ukraine, trước hết là Moldova, hỗ trợ Ukraine ở biên giới với Belarus và hợp tác trong hoạt động rà phá bom mìn.
“Ngoài ra, tôi luôn xác định rõ lằn ranh đỏ của chúng tôi: Chúng tôi không chiến đấu chống lại người Nga và từ chối tham gia vào leo thang căng thẳng,” ông Macron nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Pháp hôm 26/2 đã gây xôn xao dư luận khi tuyên bố rằng các nước phương Tây không loại trừ khả năng sẽ đưa quân tới Ukraine trong tương lai.
“Hiện chưa có sự đồng thuận chính thức nào về việc đưa quân đến thực địa. Nhưng xét về mặt động lực thì chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào. Chúng tôi sẽ làm làm mọi thứ cần thiết để ngăn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này,” ông Macron nói sau cuộc họp của khoảng 20 nhà lãnh đạo phương Tây.
Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Pháp đã khiến người đứng đầu NATO phải lên tiếng bác bỏ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: “Các đồng minh của NATO đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Chúng tôi đã thực hiện điều đó kể từ năm 2014 và tăng cường hỗ trợ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Nhưng chúng tôi không có kế hoạch nào cho lực lượng chiến đấu của NATO trên thực địa ở Ukraine”.
Các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức, Anh, Slovakia, Ba Lan cũng tuyên bố rằng họ không có ý định đưa quân đến Ukraine.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne sau đó đã làm rõ hơn phát ngôn của Tổng thống Macron. Ông giải thích rằng phương Tây có thể điều quân đến Ukraine để hỗ trợ quân đội Kiev chứ không phải trực tiếp tham chiến.
“Những hành động đó phải đáp ứng nhu cầu rất cụ thể, đặc biệt là rà phá bom mìn, phòng thủ trên không gian mạng, sản xuất vũ khí tại Ukraine,” ông nói. Nhà ngoại giao Pháp cũng nhấn mạnh rằng một số hoạt động nói trên “có thể yêu cầu hiện diện quân sự trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt qua ngưỡng chiến đấu”.
Điện Kremlin đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Macron, đồng thời cảnh báo rằng, một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ từ “có thể” mà trở thành “không thể tránh khỏi” nếu các quốc gia thành viên trong khối quân sự do Mỹ đứng đầu gửi quân tới Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu Thông điệp Liên bang, ngày 29/2. Ảnh: Sputnik |
Trong Thông điệp Liên bang ngày 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo nguy cơ xung đột hạt nhân nếu phương Tây đưa quân vào Ukraine. Ông tuyên bố rằng rằng Moscow sẽ không cho phép bất kỳ bên nào can thiệp vào các vấn đề nội bộ, đồng thời khẳng định các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đang trong trạng thái “sẵn sàng sử dụng”.
Trong lần phát ngôn gần đây nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn giữ nguyên những nhận xét về khả năng phương Tây triển khai quân tới lãnh thổ Ukraine, đồng thời khẳng định các tuyên bố của ông đã được cân nhắc kỹ lưỡng.
“Đây là những vấn đề khá nghiêm trọng. Mỗi lời nói của tôi về vấn đề này đều được cân nhắc, suy nghĩ kỹ lưỡng và có sự cân nhắc,” Tổng thống Macron nói với phóng viên ngày 29/2 bên lề chuyến thị sát làng Thế vận hội 2024 gần thủ đô Paris, theo RT.