Phát triển bền vững là 'sân chơi' cho cả doanh nghiệp siêu nhỏ

VCSF 2021 CSI
15:46 - 09/12/2021
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung không thể ngừng lại". Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung không thể ngừng lại". Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Từ thực tế các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược quản trị kinh doanh bền vững có sự ứng phó với khủng hoảng tốt hơn trong đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi tất cả các doanh nghiệp ở mọi cấp độ cùng tham gia “sân chơi” chung này.

Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021), sáng 09/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung không thể ngừng lại.

Theo Phó thủ tướng, Chính phủ Việt Nam nhận thức được xu thế chung này nên đã đưa những chỉ tiêu phát triển bền vững lồng ghép vào các chiến lược quốc gia. Để hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam. Ông cho biết, Việt Nam hiện mới có 2 mục tiêu về giáo dục và sản xuất tiêu dùng là được đánh giá hoàn thành, các mục tiêu còn lại cần rất nhiều nỗ lực để hoàn thiện.

“Muốn hoàn thành được các mục tiêu này, một mình Chính phủ sẽ không thể làm được mà cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Từ sự khởi xướng của cộng động doanh nghiệp với mô hình kinh tế tuần hoàn hay các dự án cụ thể sẽ hình thành được những hoạt động quy mô lớn, tạo thành các phong trào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Nhận định đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam, đặt ra yêu cầu cần có sự thay đổi cần thiết sau đại dịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng mỗi người dân, doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm giữ gìn cho mình và trách nhiệm với cộng đồng bởi không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được biến đổi khí hậu hay chống lại được đại dịch.

Đặc biệt, theo ông vấn đề quan trọng nhất là phải luôn giữ vững tinh thần vì cần xác định thời gian tới sẽ còn xảy ra các đại dịch khác, hay các bất ổn kinh tế - xã hội để chuẩn bị và thay đổi thói quen thích ứng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cả vật chất và tinh thần cho đất nước và đưa ra lời kêu gọi các doanh nghiệp cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. “Tất cả doanh nghiệp dù rất nhỏ hay mới được thành lập cần xây dựng triết lý con đường bền vững bằng những giải pháp cụ thể. Đừng coi phát triển bền vững chỉ là ‘sân chơi’ của các doanh nghiệp lớn mà hãy xác định đó là mục tiêu của tất cả các doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Đại diện tiếng nói cho các doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nhận thức được rằng cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 đưa phát thải ròng về “0” trong năm 2030 sẽ có lợi cho Việt Nam.

“Từ cam kết này, Việt Nam sẽ thu hút được nguồn lực xanh từ gói tài chính cam kết của các quốc gia trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và gia tăng nguồn vốn khu vực tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh”, ông Công nói.

Định hướng tầm nhìn phát triển cho các doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI khẳng định, những doanh nghiệp xây dựng được mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ khả năng chống chịu cao hơn và kiên cường hơn, thậm chí tìm ra cơ hội bứt phá vượt lên.

Ảnh tác giả

“Có thể nói áp dụng mô hình kinh doanh quản trị bền vững chính là vaccine hiệu quả, tăng cường hệ miễn dịch cho các doanh nghiệp. Khả năng chống chịu đang trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và các doanh nghiệp”.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những chia sẻ về Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) 2021, công cụ nhằm đánh giá các doanh nghiệp bằng 3 cấp độ chỉ số dành cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau.

Trong đó, chỉ số ký hiệu M dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ số ký hiệu C (chỉ số cơ bản) dành cho doanh nghiệp vừa và lớn. Còn chỉ số ký hiệu A (chỉ số nâng cao) thể hiện việc doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ pháp luật còn xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, đảm bảo các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác.

Thông qua việc phân cấp chỉ số trên, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh: “Phát triển bền vững không phải là chuyện xa vời, to lớn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà rất thiết thực và có thể được cụ thể hóa thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật và hành xử văn minh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp dù ở bất kỳ quy mô, lĩnh vực hoạt động nào”.

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021) và lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 2021), sáng 09/12.

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021) và lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI 2021), sáng 09/12.

Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận nhiều nội dung với chủ đề "Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau". Sau sự kiện này cón có lễ công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam CSI 2021, tôn vinh những doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tin liên quan

Đọc tiếp