Phú Yên cần những bước đột phá trong phát triển kinh tế biển

kinh tế biển Phú Yên
19:36 - 11/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Là một trong 28 tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế biển, vì vậy Phú Yên được yêu cầu cần có những bước đột phá để phát huy hơn nữa thế mạnh của mình, thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW.

Ngày 11/6, Đoàn Giám sát Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về chương trình “Giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, so với các tỉnh, thành khác, Phú Yên có nhiều tiềm năng, tài nguyên để phát triển hệ sinh thái biển, thể hiện đặc trưng của tỉnh nhưng hiện địa phương còn chưa thực sự phát huy được hết.

Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi làm việc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho biết sau khi đi khảo sát và chứng kiến các hoạt động tại Cảng Vũng Rô; Cảng Bãi Gốc; hoạt động của Khu Công nghiệp Hoà Hiệp cho thấy, Phú Yên đã rất nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và đang đi đúng hướng.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu đặt ra đối với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, nhất là các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra đòi hỏi Phú Yên phải có những đột phá trong thời gian tới.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 36- NQ/TW, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên cho biết qua gần 4 năm triển khai, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển như thủy sản, du lịch, vận tải biển, năng lượng,… hay Khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Phú Yên cũng còn nhiều hạn chế như cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển đảo chưa đầy đủ; Kế hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ; Các ngành kinh tế biển quan trọng, công nghiệp ven biển, khu kinh tế của tỉnh khai thác kém hiệu quả, chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có của tỉnh…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh lưu ý Phú Yên nên quan tâm một số tiềm năng, lợi thế của tỉnh về biển, phát triển du lịch, cần phát triển hài hòa giữa phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch.

Trong bối cảnh phát triển công nghiệp 4.0, Phú Yên cũng phải lưu ý về công tác đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân làm tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm hơn đến phát triển giao thông để đáp ứng khả năng tăng công suất của cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc… từ đó mới dễ thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.

Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và các đại biểu, đoàn công tác đã trồng cây tạo cảnh quan kết hợp phòng hộ ven biển tại khu vực gần Quảng trường tháp Nghinh Phong, thành phố Tuy Hòa.

Đoàn Giám sát đã đi khảo sát một số điểm tại Phú Yên.

Đoàn Giám sát đã đi khảo sát một số điểm tại Phú Yên.

Trước đó, Đoàn Giám sát đã đi khảo sát một số điểm: Cảng Vũng Rô, Cảng Bãi Cốc, Khu Công nghiệp Hòa Hiệp 1, thăm và khảo sát Công ty TNHH Thủy sản Phúc Nguyên, Công ty TNHH MTV Masan để phục vụ cho đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Phú Yên.

Đoàn Giám sát đi khảo sát Công ty TNHH Thủy sản Phúc Nguyên.

Đoàn Giám sát đi khảo sát Công ty TNHH Thủy sản Phúc Nguyên.

Tin liên quan

Đọc tiếp