Một địa điểm bị quân đội Israel không kích tại Nuseirat ở miền trung Dải Gaza ngày 7/11/2024. Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters trích dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Qatar cho biết: "Qatar đã thông báo cho các bên cách đây 10 ngày trong những nỗ lực cuối cùng để đạt được thỏa thuận rằng chúng tôi sẽ đình chỉ các nỗ lực làm trung gian giữa Hamas và Israel nếu không đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán".
Tuyên bố tiếp tục khẳng định rằng: "Qatar sẽ nối lại những nỗ lực thúc đẩy đàm phán với các đối tác của mình khi các bên thể hiện thiện chí và sự nghiêm túc trong việc chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này". Tính tới hiện tại, cả Israel và lực lượng Hamas đều chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Qatar cũng cho biết các thông tin được đưa bởi các phương tiện truyền thông về tương lai của Văn phòng Chính trị Hamas tại Doha là không chính xác. Tuy nhiên, cơ quan này không cung cấp thêm thông tin chi tiết mà chỉ cho biết Văn phòng Hamas là kênh liên lạc giữa các bên ở Gaza và đã góp phần vào lệnh ngừng bắn ngắn hạn và trao đổi một số con tin một năm trước.
Trước đó, Reuters dẫn lời một nguồn tin là quan chức Mỹ cho biết Washington đã yêu cầu Qatar trục xuất Hamas và Doha đã chuyển thông điệp này cho Hamas. Hiện không rõ có bao nhiều nhà lãnh đạo Hamas đang ở tại Qatar, tuy nhiên trong số này bao gồm những người có thể thay thế cho thủ lĩnh Yahya Sinwar, người đã bị quân đội Israel hạ sát hồi tháng trước.
Những người này bao gồm ông Khalil al-Hayya, người đã lãnh đạo các cuộc đàm phán ngừng bắn cho nhóm này, và ông Khaled Meshaal, người được coi là đại diện ngoại giao của Hamas.
Phát biểu ngoài lề, 3 quan chức Hamas ngày 9/11 cũng cho biết nhóm này không được Qatar thông báo rằng các nhà lãnh đạo của họ không còn được chào đón ở Doha. Qatar đã tiếp đón các nhà lãnh đạo chính trị Hamas kể từ năm 2012 theo một thỏa thuận với Mỹ, và sự hiện diện của nhóm này tại Qatar đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán.
Trong nhiều tháng qua, Qatar cùng Mỹ và Ai Cập đã cùng hợp tác thúc đẩy các nỗ lực đàm phán giữa các bên tham chiến tại Gaza, tuy nhiên không ghi nhận được tiến triển đáng kể. Vòng đàm phán mới nhất vào giữa tháng 10 đã không đạt được sự đồng thuận khi lực lượng Hamas từ chối đề xuất ngừng bắn trong ngắn hạn. Trước đó, Israel từ chối một số đề xuất về lệnh ngừng bắn dài hạn hơn. Các bất đồng giữa hai bên chủ yếu tập trung vào tương lai lâu dài của Hamas và sự hiện diện của quân đội Israel tại Gaza.