Quan hệ Việt Nam – Campuchia: Nhìn về quá khứ làm kim chỉ nam cho tương lai

Quan hệ Việt Nam – Campuchia: Nhìn về quá khứ làm kim chỉ nam cho tương lai

Việt nAM Campuchia
15:47 - 24/06/2022
Chia sẻ với Mekong ASEAN nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ Việt Nam - Campuchia, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth nhấn mạnh mối quan hệ hai nước có thể khăng khít qua mọi thời kỳ bởi luôn "nắm tay nhau đoàn kết, vì sự phồn vinh của mỗi nước".

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, đều có nguồn gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với lịch sử lâu đời ở khu vực Đông Nam Á.

Ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk, trong đó nhấn mạnh: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”.

Chỉ sau đó một ngày, ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử chung của hai dân tộc. Từ năm 1967 đến nay, quan hệ hai nước ngày càng khăng khít đi vào chiều sâu trên các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa - giáo dục - y tế.

Điểm lại những nét nổi bật của quan hệ hai nước từ quá khứ mở ra những triển vọng cho tương lai, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth đã có những chia sẻ với Mekong ASEAN về mối quan hệ đặc biệt này.

Mekong ASEAN: Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (1967 - 2022), Đại sứ đánh giá thế nào về những thành tựu hợp tác nổi bật mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua?

Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Năm 2022 được Lãnh đạo Cấp cao hai nước nhất trí chọn là “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam” để kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, giúp các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ hôm nay và các thế hệ mai sau hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống lịch sử.

Đồng thời, năm nay cũng kỷ niệm 45 năm "Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Trải qua những thăng trầm trong 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam - Campuchia đã thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Thời gian qua, hai nước chúng ta đã cùng hợp tác, cùng chia ngọt sẻ bùi vì sự nghiệp của hai dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Quốc vương Norodom Sihanouk là những người đặt nền móng và có công lao to lớn trong việc vun đắp quan hệ giữa hai nước.

Tại lễ kỷ niệm 45 năm "Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen đã cùng điểm lại lịch sử quan hệ hai nước, trong đó nhấn mạnh sự giúp đỡ lẫn nhau này.

Lãnh đạo cũng như nhân dân Việt Nam luôn kiên định với chủ trương, con đường, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn khẳng định hai nước phải đoàn kết. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Campuchia cũng vậy, lãnh đạo đất nước Campuchia luôn nhất quán chủ trương thúc đẩy tình đoàn kết hai nước.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Campuchia đã đề ra những chủ trương đúng đắn với tầm nhìn xa, đặc biệt là sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Campuchia.

Bên cạnh đó, chúng ta có truyền thống hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, được khắc ghi trong trái tim của nhân dân hai nước. Những thế hệ sau này cũng tiếp tục kế thừa, học tập truyền thống của thế hệ cha ông. Đồng thời, còn có sự đóng góp của các hoạt động truyền thông để người dân hai nước hiểu về văn hóa, đất nước, con người của nhau, từ đó giúp tình hữu nghị giữa hai bên ngày càng phát triển bền vững.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hai nước đã hỗ trợ nhau cả về tinh thần cũng như ủng hộ những trang thiết bị y tế, đưa những bác sỹ có kinh nghiệm hỗ trợ nhau trong việc điều trị, giúp đẩy lùi được dịch bệnh, tới nay dịch bệnh ở hai nước đã được kiểm soát.

Qua đó, có thể thấy sự kiện 55 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã thể hiện được những thành quả đáng tự hào từ sự chung tay, tình đoàn kết gắn bó, và cùng nhau hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh cả Campuchia và Việt Nam đều đang thúc đẩy chương trình phục hồi sau Covid-19 hiện nay, theo ngài Đại sứ, hai nước cần ưu tiên tập trung hợp tác trên những lĩnh vực nào để có thể hỗ trợ nhau đẩy nhanh quá trình này?

Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Đầu tiên, cả hai quốc gia nên tiếp tục hợp tác để duy trì được tình hình kiểm soát đại dịch Covid-19 và để cho đại dịch không quay trở lại. Đó chính là ưu tiên của chúng tôi.

Tiếp theo, chúng ta nên tiếp tục trao đổi các thông tin về sự lây nhiễm dịch bệnh theo thời gian thực hoặc hàng ngày. Đây sẽ là một cách hiệu quả để có thể duy trì trạng thái dịch bệnh trong tầm kiểm soát như hiện nay. Cả hai nước Campuchia và Việt Nam đều đã kiểm soát được dịch bệnh ở một mức độ không còn gây ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người dân.

Một ưu tiên nữa của chúng tôi chính là tái khởi động lại các chương trình hợp tác giữa hai nước. Sau khi đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn thế giới, có nhiều chương trình hợp tác giữa hai bên đã phải tạm dừng. Vậy nên nếu tình hình dịch đã được chính phủ hai nước kiểm soát tốt, chúng ta nên tái khởi động lại các chương trình hợp tác đã bị hoãn lại trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và hơn thế nữa.

Thêm vào đó, hai quốc gia cũng nên hợp tác tìm kiếm các cơ hội vàng về kinh tế để có thể đem lại lợi ích cho đôi bên, cho khu vực và cả cho thế giới. Có rất nhiều cơ hội cho hai nước trong thời kỳ hậu Covid-19, vì vậy tôi nghĩ hai quốc gia nên thông báo và giúp đỡ lẫn nhau trong việc nắm bắt cơ hội này.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong những nước ASEAN đầu tư lớn nhất vào Campuchia, ngài Đại sứ đánh giá ra sao về những hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia thời gian qua? Campuchia đã và sẽ có những cơ chế gì hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao quy mô và chất lượng đầu tư?

Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nhà đầu tư hàng đầu trong số các nhà đầu tư ASEAN tại Campuchia. Các doanh nghiệp Việt Nam đều đang vận hành tốt và đóng góp nhiều cho người dân cũng như xã hội Campuchia.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn thành lập nên các cộng đồng ở Campuchia và tôi cho rằng đó là những lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam mang lại cho Campuchia. Có rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư vào lĩnh vực như nông nghiệp gồm các sản phẩm như hồ tiêu, hạt điều và gạo tại Campuchia.

Chính phủ Campuchia cũng đã thành lập một cơ chế đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư Việt Nam. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các buổi gặp mặt giữa các nhà đầu tư Việt Nam và Thủ tướng của chúng tôi.

Thêm vào đó, Campuchia gần đây cũng đã ban hành bộ luật mới về đầu tư và bộ luật này sẽ giúp các nhà đầu tư đạt được nhiều lợi ích. Theo như bộ luật mới này, các nhà đầu tư sẽ đạt được nhiều cơ chế hỗ trợ nếu họ đầu tư vào Campuchia. Việt Nam cũng là một thị trường lớn và đa dạng, đồng thời cũng đã kí kết nhiều hiệp định thương mại tự do không chỉ với các nước trong khu vực mà còn trên thế giới. Vậy nên thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam là rất rộng lớn.

Mekong ASEAN: Tại Lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot", ngày 20/6, Thủ tướng Hun sen đã đặt hy vọng kim ngạch thương mại song phương hai nước năm 2022 trên 10 tỷ USD. Theo Đại sứ, hai nước cần có những động thái gì để đạt được mục tiêu này? Ngài có thể chia sẻ thêm về kế hoạch mở thêm cửa khẩu quốc tế giữa tỉnh Tbong Khmum và Bình Phước đã được Thủ tướng Hun Sen nhắc đến trong Lễ kỷ niệm?

Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Hai Thủ tướng vừa gặp mặt ngày 20/6 để bàn về vấn đề này. Trong những năm tới, Campuchia hy vọng kim ngạch thương mại hai nước sẽ ngày càng gia tăng và dự đoán đạt tới hơn 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu mà Thủ tướng của chúng tôi đã đặt ra. Ngoài ra, Thủ tướng Việt Nam cũng nói rằng sự trao đổi hàng hóa giữa hai nước nên được nâng lên một tầm cao mới.

Ngay bây giờ, những người dân sống dọc biên giới hai nước Việt Nam và Campuchia đã và đang trao đổi hàng hóa với nhau, tuy khối lượng hàng hóa có thể nhỏ hoặc lớn. Vậy nên chúng tôi cho rằng trong tương lai gần, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ đạt được tầm cao mới.

Bên cạnh đó, Campuchia rất mong đợi vào việc mở thêm nhiều cửa khẩu giữa hai nước. Việt Nam và Campuchia có đường biên giới dài và do đó chúng ta nên mở nhiều cửa khẩu để đẩy mạnh xuất nhập khẩu và chia sẻ các cơ hội với nhau. Điển hình như việc Campuchia sẽ mở thêm nhiều đặc khu cho các nhà đầu tư tới đầu tư.

Hiện nay việc mở thêm cửa khẩu chưa thống nhất được vì chúng ta còn có một số việc cần phải làm và cũng cần xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo đề nghị của ngài Sao Sokha, Phó Tổng Tư lệnh quân đội Hoàng gia Campuchia và ngài Chea Sophara, Bộ trưởng Bộ Quy hoạch đô thị, đất đai và xây dựng, Thủ tướng Hun Sen đã quyết định giữ lại 1.176 hecta ở khu vực này để dự phòng mở khu kinh tế đặc biệt, xây dựng nhà máy hoặc sau này có thể trở thành nơi trao đổi hàng hóa bởi khu vực này gần với cảng biển của Việt Nam…

Hoặc có thể trở thành khu chế biến, bởi nông sản của Campuchia ở đây và khu vực Đông bắc rất nhiều. Thủ tướng Hun Sen cũng đã đề nghị hai bên xem xét về một số cơ chế tạo điều kiện cho người dân hai bên qua lại.

Mekong ASEAN: Nhìn rộng hơn mối quan hệ song phương như đã đề cập, theo ngài Đại sứ, Việt Nam và Campuchia có thể có những đóng góp nào cho ASEAN trong thời điểm khu vực đang nỗ lực hồi phục kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19?

Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng thân thiết và chúng ta có tình hữu nghị bền chặt từ lâu trong lịch sử. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ hợp tác song phương hữu nghị.

Như chúng ta đã biết, trong khối ASEAN hiện tại cũng có một vài vấn đề khó khăn mà chúng ta cần giải quyết chung. Campuchia sẽ là chủ tịch ASEAN trong năm 2022, vì vậy Campuchia mong muốn Việt Nam là một láng giềng tốt sẽ giúp đỡ Campuchia thành công trong vai trò này và trong việc đạt được các mục tiêu mà ASEAN đã đề ra.

ASEAN cũng đang có mục tiêu thành lập cộng đồng ASEAN. Việt Nam có thể giúp đỡ Campuchia với cương vị chủ tịch ASEAN và cùng với nhau đạt được mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN.

Mekong ASEAN: Trước tình trạng giá lương thực tăng cao và chủ nghĩa bảo hộ lương thực trỗi dậy trên toàn cầu, Việt Nam và Campuchia lại là những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Theo Ngài, hai nước nên tận dụng cơ hội này như thế nào để đẩy mạnh lợi thế xuất khẩu gạo của mình?

Đại sứ Campuchia Chay Navuth: Về vấn đề xuất khẩu gạo và quảng bá đẩy mạnh thế mạnh xuất khẩu gạo của Việt Nam và Campuchia, tôi có 3 ý chính như thế này.

Thứ nhất, Campuchia và Việt Nam nên bảo tồn chất lượng hạt gạo vì điều này là vô cùng quan trọng. Nếu chất lượng gạo đi xuống thì nhiều đối thủ cạnh tranh không những trong khu vực mà còn trên cả thế giới sẽ chiếm lấy thị trường của chúng ta. Vì vậy tôi cho rằng chính phủ hai quốc gia nên làm việc với nhau để cùng bảo tồn chất lượng hạt gạo.

Thứ hai, Campuchia và Việt Nam nên làm việc cùng với nhau để bảo vệ sản phẩm gạo của chúng ta khỏi các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Để có thể đạt được điều này, chúng ta cần củng cố cơ chế cạnh tranh cũng như cơ chế bảo vệ sản phẩm.

Thứ ba, chính phủ Việt Nam và Campuchia cần hợp tác về mặt kĩ thuật để phát triển các hạt gạo organic không dùng hóa chất. Nếu các hạt gạo của chúng ta không phải là organic thì sẽ không có nhiều nhà nhập khẩu muốn mua gạo.

Vì vậy để có thể bảo vệ vị thế nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của hai nước, tôi cho rằng việc bảo tồn chất lượng hạt gạo cần được đặt lên hàng đầu, cùng với sự hợp tác sản xuất và tạo điều kiện về mặt chính sách của hai chính phủ.

Đặc biệt, việc Việt Nam – Campuchia phát triển được chất lượng và đảm bảo sản lượng gạo cũng là một trong những đóng góp của hai nước vào an ninh lương thực toàn cầu nhất là trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực đang đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới không những trong năm 2022 mà có thể cả năm sau.

Mekong ASEAN: Xin chân thành cảm ơn ông!

Năm 2022 là năm hết sức đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967 – 24/6/2022) và cũng là năm kỷ niệm 45 năm Hành trình hướng tới lật đổ Pol Pot của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen (20/6/1977 – 20/6/2022).

Chính phủ hai nước đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt trong Lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" tại khu vực biên giới giữa huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã khẳng định vun đắp quan hệ Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Đọc tiếp