Quốc hội sẽ thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, bế mạc Kỳ họp bất thường

QUỐC HỘI Việt nAM
07:49 - 09/01/2023
Quốc hội sẽ thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, bế mạc Kỳ họp bất thường
0:00 / 0:00
0:00
Theo dự kiến điều chỉnh chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 9/1, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết, dự án Luật quan trọng và sẽ họp phiên bế mạc vào chiều cùng ngày.

Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc. Quốc hội biểu quyết thông qua một số dự án Luật, Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Sau khi hoàn thành nội dung chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Quy hoạch tổng thể quốc gia hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Liên tục trong 2 ngày cuối tuần qua, Quốc hội đã có 2 phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia với 217 ý kiến phát biểu và tại hội trường với 26 ý kiến.

Giải trình cuối phiên thảo luận tại hội trường ngày 7/1, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khái quát, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều thống nhất với tờ trình và cơ bản đồng tình với những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Các ý kiến thống nhất cho rằng, đây là một quy hoạch được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của đất nước, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và của Quốc hội.

"Có thể nói rằng, đây là một công trình nghiên cứu hết sức đồ sộ và công phu, nghiêm túc, khoa học, với 41 hợp phần, với gần 7.000 trang tài liệu. Gần 30 cơ sở viện, trường nghiên cứu, khoảng hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch tham gia vào công trình này", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Quy hoạch này, theo Bộ trưởng được lập với một phương pháp tiếp cận hết sức mới, hiện đại và đảm bảo các thông lệ tốt của quốc tế, phù hợp với các xu thế vận động hiện nay cũng như các nghị quyết của Trung ương Đảng về các vùng, về các địa phương, về các ngành và lĩnh vực đã ban hành trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng cũng khẳng định rất nhiều ý kiến về đánh giá hiện trạng, quan điểm phát triển, định hướng phát triển của các ngành, các vùng, danh mục dự án, nguồn lực, mục tiêu, chỉ tiêu,...Với tư cách là cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tính khả thi cao nhất của quy hoạch này.

Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ mới và khó, lần đầu tiên làm, do vậy chưa có kinh nghiệm. Song Quy hoạch đã đảm bảo tuân thủ là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội XIII cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược, theo hướng phân vùng và liên kết vùng, lãnh thổ, xác định tổ chức không gian phát triển của đất nước.

Nói rõ thêm về hình thành và phát triển các vùng động lực, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời kỳ trước cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với một quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chiếm tới 27,5% diện tích của cả nước, 53,1% dân số cả nước. Các vùng kinh tế trọng điểm này chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm này vẫn đang còn có trình độ phát triển dưới hoặc là tương đương với mức trung bình của cả nước.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, Quy hoạch đã lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất, có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế để xác định ra 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng.

Các vùng này sẽ được ưu tiên cả về thể chế và nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đóng góp lớn hơn, tạo sự lan tỏa nhiều hơn cho cả vùng xung quanh và cho cả nước.

Dự kiến 8 dự án quan trọng quốc gia

Sau phiên thảo luận tổ ngày 6/1, Dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được chỉnh lý. Đáng chú ý là danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã giảm từ 23 xuống còn 8 dự án

Các dự án này gồm: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây; Đường bộ cao tốc Đông - Tây; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Đường vành đai Thủ đô Hà Nội, vành đai TP HCM; Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Đường sắt đô thị Hà Nội, đường sắt đô thị TP HCM; các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế.

Đọc tiếp