Quy hoạch tỉnh Hà Giang, những điểm nhấn chiến lược

Quy hoạch tỉnh Hà Giang, những điểm nhấn chiến lược

Hà Giang QUY HOẠCH
10:07 - 16/11/2023
Quy hoạch tỉnh Hà Giang sẽ ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hạ tầng giao thông, thương mại cửa khẩu, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và lấy du lịch xanh làm ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên là 7.927,55 km2.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Kinh tế phát triển xanh, năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái. Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Sự hùng vĩ của cảnh sắc Hà Giang có sức thu hút kỳ lạ với khách du lịch. Ảnh: Mekong ASEAN

Sự hùng vĩ của cảnh sắc Hà Giang có sức thu hút kỳ lạ với khách du lịch. Ảnh: Mekong ASEAN

Khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc

Phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Trong đó, cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận giáo dục, giảm tỉ lệ và tiến đến xóa mù chữ.

Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hệ thống trường học các cấp, đặc biệt là phát triển các trường dân tộc nội trú cấp huyện và hệ thống cơ sở giáo dục tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy ở các trường học, đa dạng các loại hình giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các cấp, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn. Nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phát triển giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Về y tế, Hà Giang phấn đấu phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững; đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa giữa lĩnh vực khám chữa bệnh với lĩnh vực y tế dự phòng.

Cải thiện dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; chú trọng việc nâng cao thể trạng, tầm vóc của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn.

Gắn y tế chuyên khoa, chuyên sâu với y tế phổ cập, kết hợp hài hòa giữa phòng bệnh với phục hồi chức năng, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại; phát triển hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân.

Củng cố, phát triển hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã. Xây dựng hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật đồng bộ, đủ năng lực dự báo, kiểm soát các bệnh tật.

Những đứa trẻ gùi hoa lên dốc núi tại Cao nguyên đá Đồng Văn, một vùng đặc sản du lịch của Hà Giang. Ảnh: Mekong ASEAN
Những đứa trẻ gùi hoa lên dốc núi tại Cao nguyên đá Đồng Văn, một vùng đặc sản du lịch của Hà Giang. Ảnh: Mekong ASEAN

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đặt trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông, thương mại cửa khẩu, khu kinh tế

Các đột phá phát triển của tỉnh Hà Giang từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng số.

Hà Giang dự định ưu tiên nguồn lực để xây dựng, hoàn chỉnh tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang với quy mô 4 làn xe; đầu tư tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với quy mô 4 làn xe.

Khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chú trọng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có lợi thế của tỉnh; sắp xếp ổn định sản xuất, đời sống dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thương mại dịch vụ của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy để thu hút đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với vùng nguyên liệu tập trung.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động phục vụ nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh; thu hút và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm nhân lực chất lượng cao.

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai.

Khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 30 đô thị gồm 1 đô thị loại II (TP Hà Giang); 4 đô thị loại IV (gồm các thị trấn: Vị Xuyên, Yên Minh, Đồng Văn, Việt Quang) và 25 đô thị loại V.

Phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, là đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa. Tỉnh đặt mục tiêu để Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực.

Đọc tiếp