Sản xuất công nghiệp Bắc Giang tăng vọt 70,4%, tập trung vào chế biến chế tạo

Bắc Giang Công nghiệp
12:36 - 22/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ sự phục hồi sau đại dịch, các ngành công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã có đơn đặt hàng tăng, cùng với nền sản xuất năm 2021 thấp kéo theo tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng cao trở lại trong năm nay.

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Bắc Giang, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 tăng 70,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 5,7% so với cùng kỳ; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 7,5%; ngành cung cấp nước tăng 9,9%.

Đáng lưu ý, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh nhất, đạt 75,7%. Nguyên nhân của sự tăng trưởng này được báo cáo lý giải do ngành sản xuất đồ uống năm trước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, năm nay tăng cao do chính sách mở cửa các hoạt động dịch vụ từ tháng 2/2022 và lượng tiêu thụ trong mùa hè năm nay tăng mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn hoạt động đạt công suất cao, đơn đặt hàng tăng, mặt khác nền sản xuất của năm 2021 thấp nên cũng kéo theo tốc độ năm nay tăng cao hơn.

Tuy nhiên trong tháng cũng như 7 tháng đầu năm, một số đơn vị sản xuất ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng như chuỗi dây chuyền sản xuất bị ách tắc chưa đáp ứng kịp thời cho sản xuất. Trong đó, ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ đạt 74,2% so với cùng kỳ; ngành sản xuất cao su plastic có IIP tháng 7 đạt 87%; ngành sản xuất sp từ kim loại IIP đạt 75,8%.

Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng khoảng 50% so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 53,4%; ngành khai khoáng giảm 2,2%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,4% và ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,5%.

Tại Hội nghị thường kỳ tháng 8/2022 của Bắc Giang ngày 19/8 vừa qua, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá bên cạnh những mặt tích cực, các ngành kinh tế phục hồi chưa đồng đều và thực sự bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích

"Giá cả một số nguyên liệu đầu vào vẫn còn cao, ảnh hưởng đến một số ngành sản xuất và dịch vụ. Tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn diễn ra ở một số địa phương. Cần tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong tháng 9 và các tháng tiếp theo để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022".

Bắc Giang thu hút vốn đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD

Một trong những động lực để chỉ số công nghiệp toàn tỉnh tháng 7 và 7 tháng đầu năm tăng cao là khả năng thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư của Bắc Giang. Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,042 tỷ USD quy đổi, gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

So với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư trong nước tăng 1 dự án, vốn đăng ký mới gấp 3,7 lần do cấp mới 2 dự án khu công nghiệp Yên Lư và khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng. Trong đó, có 22 dự án được cấp mới với vốn đăng ký 5.551 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án với số vốn đăng ký 80,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số dự án FDI cấp mới tăng 1 dự án, vốn đăng ký bằng 41,9% so với cùng kỳ. Số vốn đăng ký bổ sung của các dự án FDI gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Trong đó, có dự án FDI được cấp mới với vốn đăng ký 269,63 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 29 dự án FDI, vốn đăng ký tăng thêm 527,77 triệu USD.

Để tăng cường thu hút đầu tư, thời gian tới tỉnh Bắc Giang tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu theo quy định suất đầu tư và số lao động sử dụng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tăng cường nắm bắt tình hình, chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bắc Giang

Tính chung 7 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.700,4 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh quản lý đạt 1.314,8 tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện quản lý đạt 2.195,8 tỷ đồng, tăng 58,8% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã quản lý đạt 189,8 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Một số dự án, công trình có giá trị thực hiện vốn cao trong tháng như: Công trình “Đường nối QL37-QL17 –ĐT292, đoạn Việt Yên Tân Yên - Lạng Giang” ước đạt 30 tỷ đồng; Công trình “Đường nối QL37-QL17-Võ Nhai, Thái Nguyên” ước đạt 50 tỷ đồng; Công trình xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2, nối tuyến nhánh 2 đường vành đai IV với khu công nghiệp Yên Phong và QL18 tỉnh Bắc Ninh ước đạt 41,3 tỷ đồng; Công trình xây dựng cầu Như Nguyệt ước đạt 35 tỷ đồng.

Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022

Tin liên quan

Đọc tiếp