Chia sẻ với Mekong ASEAN, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long khẳng định thành phố luôn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp có thể phát triển.
Mekong ASEAN: Trong quý 1/2023, Hải Phòng đạt mức tăng trưởng GRDP cao thứ ba cả nước và cao nhất trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, ông có chia sẻ gì về kết quả này cũng như kế hoạch thực hiện trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động, trong 4 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành quả như tốc độ tăng trưởng GRDP quý 1/2023 đạt 9,65% so với cùng kỳ 2022, gấp 3 lần mức tăng bình quân chung cả nước, dẫn đầu tốc độ tăng trưởng trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Thành phố đã khởi công 7 dự án trọng điểm tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội với tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng.
Trong các tháng tiếp theo của năm 2023, Hải Phòng sẽ thực hiện các nhóm nhiệm vụ như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường minh bạch, phục vụ nhân dân, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Rà soát, triển khai các thủ tục để lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chi tiết, đặc biệt các quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, khu đô thị. Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện chuyển đổi số.
Tập trung thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước đã được Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm năm 2023 và giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư.
Rà soát tổng thể các dự án, công trình có vướng mắc kéo dài hoặc có sai phạm đã được các cơ quan chức năng chỉ ra để tháo gỡ, xử lý dứt điểm.
Mekong ASEAN: Năm nay là năm thứ năm Hải Phòng nằm trong vị trí Top 10 địa phương có chỉ số PCI tốt nhất, ông có thể chia sẻ về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như cách thức để doanh nghiệp có thể tiếp cận gần hơn với các chính sách của thành phố?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Từ khi triển khai Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, Hải Phòng đã liên tục đưa nội dung “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” vào chủ đề hành động từ năm 2016-2020. Hàng năm Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể, chi tiết về điểm số và thứ hạng, các giải pháp trọng tâm để cải thiện về điểm số và vị trí xếp hạng của 10 chỉ số thành phần, đặc biệt là những chỉ số bị giảm điểm và vị trí xếp hạng.
Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành đã có nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính như mô hình “Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp” được thực hiện tại Sở KH&ĐT lần đầu tiên vào ngày 01/7/2020, sau đó đã có 30 cơ quan trên địa bàn thực hiện các hình thức hoặc mô hình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lập, hoàn thiện hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Từ cuối năm 2022, Hải Phòng bắt đầu mô hình “Kết nối thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện”. Cổng thông tin điện tử thành phố đã có chuyên mục “Kết nối thủ tục kinh doanh có điều kiện” đăng tải thông tin về đầu mối cán bộ công chức phụ trách để các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ trực tiếp.
Website của Sở KH&ĐT cũng mở chuyên mục “Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh có điều kiện”, trong đó có thông tin về đầu mối cán bộ và kết nối đến trang website của một số sở, ngành trên địa bàn thành phố.
Những công tác này đã gia tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên và giảm tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung ở mức thấp nhất. Năm 2022 thành phố đã cải thiện mạnh mẽ vị trí xếp hạng đối với 3 chỉ tiêu trong chỉ số PCI như: Công chức thân thiện (tăng 21 bậc), doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục (tăng 20 bậc), thủ tục giấy tờ đơn giản (tăng 25 bậc).
Trong năm 2023, Sở KH&ĐT Hải Phòng sẽ tham mưu UBND thành phố một số giải pháp hỗ trợ tăng cường năng lực doanh nghiệp theo lĩnh vực sở, ngành mình phụ trách; doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện sẽ được giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm công nghiệp và được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên. Thực hiện các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mekong ASEAN: Được mệnh danh là “thành phố cảng” với hệ thống 52 bến cảng hiện đại, Hải Phòng đang có những chính sách gì để phát triển hơn nữa hệ thống cảng biển, thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa Hải Phòng với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là Hà Nội và Quảng Ninh?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Hải Phòng hiện có 52 bến cảng, chiếm 17,6% số bến cảng của Việt Nam. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là một trong 3 cảng trung chuyển và cửa ngõ quốc tế (loại IA) của Việt Nam. Hệ thống cảng biển Hải Phòng đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa Hải Phòng với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là Hà Nội và Quảng Ninh.
Thành phố luôn chú trọng đầu tư xây dựng mới hạ tầng cảng biển. Hải Phòng đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các bến số 1, 2 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 khu bến cảng Lạch Huyện..
Ngày 9/5 vừa qua, Hải Phòng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 12.792,6 tỷ đồng, xây dựng 2 bến container với tổng chiều dài 900 m (mỗi bến dài 450 m), tiếp nhận cỡ tàu đến 18.000 teus; một bến sà lan dài 200 m, tiếp nhận tàu sức chở 160 teus và các hệ thống thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa, hệ thống kho bãi và hạ tầng. Dự án sẽ được đưa vào khai thác vào năm 2027 và dự kiến công suất hàng qua cảng sẽ đạt khoảng 1,9 triệu teus/năm.
Việc đầu tư các bến tiếp theo tại cảng Lạch Huyện sẽ hình thành chuỗi cảng nước sâu, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa tới thẳng thị trường châu Âu, châu Mỹ, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế.
Bên cạnh đó, ngày 13/5/2023 thành phố đã khởi công dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu, đánh dấu bước khởi đầu của dự án khu phi thuế quan, logistics và công nghiệp Lạch Huyện.
Nhiều tuyến đường lớn nằm trên các tuyến quốc lộ và tuyến trục chính đô thị đã được đầu tư xây dựng, phục vụ đắc lực cho vận tải hàng hóa qua các cảng, đồng thời thành phố cũng đang tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại kết nối với Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình.
Để phát huy hiệu quả vị trí địa chính trị - địa kinh tế, gia tăng liên kết vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vừa qua, thành phố Hải Phòng cùng với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, hình thành liên kết kinh tế 4 địa phương có trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái đi qua, một trong tám nội dung hợp tác là tập trung vào liên kết, hợp tác trong lĩnh vực giao thông và logistics.
Trong giai đoạn tới, để tiếp tục phát huy lợi thế “thành phố cảng”, Hải Phòng sẽ xây dựng các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3 nhằm tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ kết nối cảng biển và các KCN, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa cho các cảng biển.
Mekong ASEAN: Năm 2022, Hải Phòng đứng thứ tư cả nước về thu hút vốn FDI, thành phố đang có những kế hoạch gì để thu hút nhiều hơn nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào địa phương?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Nhằm phát huy những lợi thế sẵn có và khắc phục những khó khăn để thu hút nhiều hơn nguồn vốn FDI vào thành phố trong thời gian tới, Hải Phòng đề ra một số giải pháp như tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng KCN; cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số.
Kiện toàn hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thu hút vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư và xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức.
Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào những lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam còn đang hạn chế, quản trị thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển bền vững giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Sở KH&ĐT sẽ tham mưu với Bộ ngành Trung ương nhằm khắc phục các vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong đầu tư sản xuất kinh doanh.