Tân thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp đón Tổng thống Pháp

Ngoại Giao CHÂU ÂU
15:21 - 06/04/2023
Sau khi tới Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 3 ngày với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu hàng loạt cuộc gặp mặt với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong ngày 6/4.

Hãng tin Reuters cho biết Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Trung Quốc là ông Lý Cường sáng ngày 6/4 đã chào đón Tổng thống Macron tại Đại lễ đường Nhân dân, một tòa nhà nằm ở phía tây Quảng trường Thiên An Môn thường được sử dụng cho các sự kiện và nghi lễ trang trọng.

Theo lịch trình được công bố, sau cuộc gặp mặt với ông Macron, ông Lý Cường sẽ tham gia vào một "bữa trưa làm việc" mang tính thân thiện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Tiếp đó vào cuối buổi chiều, 2 nhà lãnh đạo châu Âu sẽ hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi cả 3 nhà lãnh đạo tổ chức hội nghị cấp cao vào buổi tối.

Trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, giữa Trung Quốc và châu ÂU ngày càng xuất hiện nhiều căng thẳng và mâu thuẫn, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan, công nghệ chiến lược và mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với Nga. Do đó trong một tuyên bố sau khi tới thủ đô Trung Quốc cuối ngày 5/4 trước đó, ông Macron cho biết châu Âu cần phải chống lại việc cắt giảm quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc.

Nhận định về mục tiêu chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc kể từ khi nhậm chức năm 2019, bà von der Leyen cũng có thái độ tương đồng với ông Macron khi tuyên bố châu Âu phải "loại bỏ rủi ro" trong quan hệ với Bắc Kinh, vì Trung Quốc đã chuyển từ kỷ nguyên cải cách và mở cửa sang kỷ nguyên an ninh và kiểm soát.

Chuyến thăm này được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp cải thiện phần nào quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu. Trước đó ngày 4/4, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye trả lời phỏng vấn tờ Nouvelles d'Europe cho biết, chuyến thăm này của ông Macron đã gửi "một tín hiệu tích cực đến thế giới bên ngoài rằng 2 nước đang hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực và cùng nhau ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, tạo ra động lực mới cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Pháp và Trung Quốc - EU trong kỷ nguyên mới”.

Ngoài ra, đi cùng Tổng thống Macron còn có cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Pháp Laurent Fabius, một số bộ trưởng, thành viên quốc hội Pháp và đặc biệt là hơn 60 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn và hơn 20 đại diện văn hóa Pháp. Do đó, có khả năng cao Pháp và Trung Quốc sẽ công bố các thỏa thuận về kinh tế và thương mại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xuất hiện tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh ngày 5/4. Ảnh: Xinhua

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xuất hiện tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh ngày 5/4. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, nó cũng sẽ bàn luận về các chủ đề gai góc hơn, ví dụ như rủi ro thương mại hay về chủ đề khủng hoảng tại Ukraine.

Sau cuộc gặp với đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh sáng ngày 6/4, bà von der Leyen đã đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức của mình rằng: "Mối quan hệ Trung Quốc - EU rất rộng lớn và phức tạp. Cách chúng ta quản lý nó sẽ tác động đến sự thịnh vượng và an ninh của EU. Tôi đến Bắc Kinh để thảo luận về mối quan hệ này - và tương lai của nó".

Đồng thời, bà nhấn mạnh: “Trung Quốc là một đối tác thương mại trọng yếu như các doanh nghiệp châu Âu đang phải đối mặt với nhiều rào cản phân biệt đối xử”.

Một vấn đề lớn khác sẽ được đưa vào thảo luận chính là việc cả ông Macron và bà von der leyen đều có ý định thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để giải quyết vấn đề khủng hoảng tại Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu trước đó đã có những tuyên bố rất cứng rắn khi khẳng định Trung Quốc không có động thái gì trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Trong khi đó, vài giờ trước khi đến Bắc Kinh ngày 5/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và 2 nhà lãnh đạo đồng ý thúc đẩy Trung Quốc tham gia vào việc đặt dấu chấm hết cho chiến sự tại Ukraine. Cụ thể, Euronews trích dẫn thông báo từ văn phòng ông Macron cho biết: “2 nhà lãnh đạo đã đề cập đến việc họ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để đẩy nhanh việc kết thúc chiến sự ở Ukraine và tham gia xây dựng hòa bình bền vững trong khu vực”.

Về phía Trung Quốc, nước này luôn thể hiện mong muốn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành lên Ukraine với kế hoạch hòa bình 12 điểm công bố hồi cuối tháng 2. Trước đó trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Moscow theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Tập Cận Bình từng khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.