Tăng giá trị nông sản bằng Dự án Du lịch nông nghiệp sinh thái

Tăng giá trị nông sản bằng Dự án Du lịch nông nghiệp sinh thái

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
07:00 - 29/03/2022

Với hy vọng nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt, Hội Doanh nhân quốc tế Việt - Âu phát triển Dự án du lịch nông nghiệp sinh thái, nhằm hỗ trợ kết nối nhiều sản phẩm ra thị trường quốc tế. 

Việt Nam được nhận định là có thế mạnh nông nghiệp và có cơ hội mở rộng hàng nông sản ra thị trường thế giới. Tuy nhiên nông sản Việt Nam thường chỉ được xuất thô, lợi nhuận thu về thấp. Để so sánh, cùng một mặt hàng chè, mỗi năm, nước Anh xuất khẩu 1 tấn qua chế biến nhưng lợi nhuận thu về cao hơn Việt Nam xuất siêu hơn 200 tấn chè thô.

Đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu vẫn là hướng đi chiến lược nếu muốn nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt. Gần đây, trong một nỗ lực hỗ trợ tăng giá trị các mặt hàng nông sản ngay tại thị trường Việt Nam, Hội doanh nhân quốc tế Việt – Âu đã xây dựng Dự án Du lịch nông nghiệp sinh thái.

Tại Diễn đàn đối thoại với doanh nhân kiều bào về đầu tư và thương mại gần đây, dự án đã nhận được sự tán đồng từ đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trao đổi với Tạp chí MEKONG ASEAN về dự án này, bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội doanh nhân quốc tế Việt – Âu cho biết, hội mong muốn xây dựng những ngôi làng Việt – Âu trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Mỗi ngôi làng sẽ là một mô hình dạng mẫu để các địa phương có thể nghiên cứu mở nhiều hơn các điểm làng như vậy. Cũng giống mô hình các nông trại nhỏ (farm), vốn đầu tư không nhiều nhưng có thể thu về nguồn lợi lớn, lâu dài, an toàn và không rủi ro.

Theo bà Thanh, ý tưởng của dự án là một farm của Việt – Âu đầu tư cho 30 gia đình, mỗi gia đình có một căn nhà gỗ, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đảm bảo sự an toàn, thân thiện với môi trường. Trong mỗi farm sẽ bao gồm các khu vực nhỏ về dược liệu, nông sản sạch, nông nghiệp thông minh, huấn luyện kỹ năng trồng trọt để đào tạo người dân trực tiếp tại địa phương.

Dự án mong muốn đây cũng trở thành nơi mà bạn bè Kiều bào có thể đầu tư chung vào ngôi làng đó. Việc đón tiếp khách du lịch do chính chủ nhân của các căn nhà thực hiện, tăng khả năng marketing, giảm nguồn vốn đầu tư.

Khu vực nhà cộng đồng của mỗi làng sẽ là nơi trưng bày và quảng bá sản phẩm thế mạnh của mỗi địa phương. Bà Thanh lấy ví dụ, farm ở Yên Bái đang thực hiện các hoạt động quảng bá trà san tuyết của Việt Nam; Vĩnh Phúc đang xây dựng farm nông trại theo mô hình khép kín và thông minh của Đức...

Đánh giá mô hình này có thể nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, bà Phùng Thị Thu Trang, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định, kinh nghiệm thực tiễn phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp cho thấy, thông qua du lịch, giá trị hàng hóa của nông sản gắn với cảnh quan nông thôn, truyền thống văn hóa bản địa của cộng đồng địa phương được gia tăng nhiều lần so với giá trị hàng hóa thuần túy của nông sản, sản vật địa phương.

“Điều này chỉ phát huy hiệu quả khi các sản phẩm đó mang tính đặc trưng cao, chất lượng đảm bảo, đồng thời được giới thiệu thông tin chi tiết, đầy đủ đến với khách du lịch qua các hình thức truyền thông”, bà Trang nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội doanh nhân quốc tế Việt – Âu, đây cũng là điểm đến để mời các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà khoa học, bạn bè trên cả nước cũng như các chuyên gia, các khách nước ngoài đến giao lưu, trao đổi về kinh nghiệm, cách làm, văn hóa và ngôn ngữ. Hội đã tiến hành thử nghiệm các tour trải nghiệm và nhận thấy mang lại hiệu quả, dễ triển khai trong những năm tới.

Bước tiếp theo của dự án, bà Thanh chia sẻ, từ những farm các tỉnh, dự án sẽ lựa chọn ra những sản phẩm tiêu biểu đưa về sàn giao dịch tại Hà Nội để quảng bá, giới thiệu. Những sản phẩm có khả năng xuất khẩu sẽ được kết nối đến các doanh nghiệp thương mại nước ngoài khi tới tham quan triển lãm.

Sàn giao dịch được kỳ vọng tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường quốc tế, trong đó có thể vươn ra các nước EU. Phòng trưng bày xúc tiến thương mại Việt - Âu là không gian để các doanh nghiệp tư nhân gặp mặt, hỗ trợ và liên kết với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Về nguồn vốn đầu tư, Chủ tịch Hội doanh nhân quốc tế Việt – Âu thông tin, hiện tại, Dự án Du lịch nông nghiệp sinh thái đang được thử nghiệm bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp trong hội nên chưa có được nguồn vốn lớn, cùng với việc chưa thực hiện đề án với nhiều tỉnh nên đang kêu gọi thêm vốn từ các doanh nghiệp kiều bào đồng hành để thời gian tới phát triển mô hình này vào khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nói về triển vọng dự án, bà Thanh cho biết, dự án định hướng sẽ liên kết các farm lại với nhau để đưa ra được một mô hình farm chuẩn và tăng giá trị nông sản.

“Hội sẽ hướng dẫn những chủ sở hữu farm hiện tại về cách thức để cùng hợp tác sẽ là bước tiếp theo trong thời gian tới của dự án”, bà Thanh chia sẻ.

“Đây là mô hình tốt để phát triển nông thôn theo hướng tiên tiến, giá trị cao, thân thiện với môi trường với vốn đầu tư thấp. Mô hình này đã được Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đã thực hiện từ 30 năm trước đây với các chương trình Tinh hoa về làng; Đem tri thức về làng...”, bà Thanh cho biết.

Điểm nổi bật của dự án được bà Thanh cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái đang có hay phải can thiệp vào nếp sống của người dân bản địa mà có thể phát huy thế mạnh của từng địa phương, làm nổi bật lên giá trị của họ. Từ đó, mỗi địa phương có thể bán được sản phẩm với giá cao hơn, tốt hơn, kết nối được nhiều nông sản ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ về kế hoạch quảng bá nông sản sắp tới, bà Thanh cho biết, Hội doanh nhân quốc tế Việt – Âu đồng tổ chức và triển khai khu vực quốc tế cùng Bộ Công Thương tại Hội chợ Thương mại Quốc tế VIETNAM EXPO 2022 từ 13 - 16/4/2022. Tại EXPO 2022, Việt – Âu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, kết nối với các đối tác Hàn Quốc, Belarus, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Cuba, Malaysia, Nepal, Campuchia, Lào, Myanmar…

Tại Hội nghị COP 26, “Tuyên bố Glasgow về hành động khí hậu trong ngành Du lịch” đã được đưa ra với hơn 300 bên liên quan đến du lịch đăng ký. Du lịch sinh thái nông nghiệp cũng là một dạng của du lịch bền vững, được dựa trên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo thúc đẩy một xã hội hòa nhập, công bằng, hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn môi trường sinh thái và quảng bá du lịch có ý thức về khí hậu.

Đọc tiếp