Sắp diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại vùng Tây Nguyên

Tây Nguyên Thương Mại
10:21 - 25/04/2024
Ảnh minh họa: VGP
Ảnh minh họa: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/4, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đăk Lăk sẽ đồng chủ trì tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên”.

Hội nghị dự kiến có khoảng hơn 200 đại biểu tham dự, trong đó gồm các hiệp hội ngành hàng, đại diện cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh trong và ngoài nước, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logisitics… Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại hội nghị, các nội dung đưa ra bàn luận bao gồm vấn đề hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu của vùng Tây Nguyên; liên kết vùng Tây Nguyên trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Hội nghị còn thông tin kết quả một số hoạt động xúc tiến thương mại trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử; thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển xuất, nhập khẩu, xúc tiến thương mại trong năm 2024 và những năm tới cho vùng.

Tây Nguyên được đánh giá là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản. Đây cũng là vùng có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, nhờ tính đặc thù trong văn hoá, dân tộc, hệ sinh thái, tài nguyên, con người, vị trí địa chính trị kinh tế. Những đặc trưng này khiến Tây Nguyên khác biệt so với các vùng đất khác trên cả nước, là điều kiện thuận lợi để khai thác các thế mạnh kinh tế cạnh tranh nhưng cũng đồng thời là thách thức trong quá trình kết nối, liên kết vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác trên cả nước.

Nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành khác đã tập trung ưu tiên nguồn lực để giúp Tây Nguyên khai thác các lợi thế đặc thù, nhưng cho đến nay phát triển kinh tế của Tây Nguyên vẫn tụt hậu so với nhiều vùng khác. Các địa phương trong vùng chưa có sự liên kết chặt chẽ, hợp lực để cùng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa đạt được sự hài hòa về lợi ích. Các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng còn trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế. Việc thực hiện chuyển đổi số một số nội dung trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp của vùng chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Thực trạng này đòi hỏi cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức tiếp cận trong khai thác các lợi thế đặc thù của vùng, tìm biện pháp liên kết vùng thực sự hiệu quả để giúp Tây Nguyên phát huy hết thế mạnh, biến tiềm năng thành động năng, nguồn lực lớn.

Hội nghị sẽ là dịp để các cơ quan ban ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cùng tìm ra những lợi thế, rào cản bất lợi và giải pháp khả thi giúp hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của vùng Tây Nguyên khởi sắc.

Sự kiện cũng được kỳ vọng sẽ góp phần đưa vùng Tây Nguyên ra khỏi vị trí “vùng trũng” trong phát triển ngoại thương, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới.

Bên lề hội nghị sẽ diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với một số Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp sản xuất, thương mại rau, củ, quả, cà phê, thực phẩm chế biến… trong và ngoài vùng Tây Nguyên với gần 30 nhà nhập khẩu từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Hoa Kỳ…

Tin liên quan

Đọc tiếp