Thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á và là thác tự nhiên lớn thứ tư thế giới trong số các thác nước nằm trên một đường biên giới quốc gia.
Với nét đẹp quyến rũ, từ năm 1997, thác Bản Giốc đã được được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh cấp Quốc gia. Những năm gần đây, du lịch thác Bản Giốc ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm tới thưởng ngoạn.
Được thiên nhiên ưu ái cho vẻ đẹp hùng vĩ, thác Bản Giốc dần trở thành địa điểm thu hút được rất nhiều khách du lịch. Ảnh: Thu Trang. |
Từ năm 1997, thác Bản Giốc đã được được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh cấp Quốc gia. Ngoài cảnh đẹp, du khách đến với Bản Giốc còn có các dịch vụ như cưỡi ngựa chụp ảnh, đi bè vào gần thác. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào |
Vào mùa khô, bức tranh thiên nhiên tại đây ngập tràn sắc xanh trong mát mẻ hòa cùng màu vàng ươm của lúa chín, tạo nên một khung cảnh vừa xinh đẹp vừa hùng vĩ. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào |
Những chiếc flycam phục vụ du khách chụp ảnh toàn cảnh tại Bản Giốc. Ảnh: Nguyễn Khắc Hào |
Không chỉ ngắm nhìn dòng suối chảy từ trên cao, du khách còn được chiêm ngưỡng dòng sông Quây Sơn sóng sánh một màu xanh ngọc, vô cùng tinh khiết và mát mẻ. Ảnh: Thu Trang |
Trước đó, vào tháng 10/2023, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức "Lễ hội du lịch thác Bản Giốc 2023: Về miền non nước".
Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 về "Phát triển du lịch gắn với bản sắc dân tộc, văn hoá truyền thống các vùng dân tộc thiểu số" quy mô cấp tỉnh, lễ hội tại Cao Bằng nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng nói chung, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Trong chương trình lễ hội, nhiều hoạt động đã diễn ra như: trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực; hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; triển lãm ảnh “Vẻ đẹp miền non nước”.
Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội năm nay có những hoạt động mới, lần đầu tiên được tổ chức như: Trải nghiệm vườn dẻ xóm Bản Khấy; Chương trình “Hát Then - đàn Tính" của người dân tộc Tày với sự tham gia của 1.000 người chủ đề “Cội nguồn và bản sắc Then Tính Cao Bằng”.
Dự kiến, sau khi tổ chức Lễ hội du lịch thác Bản Giốc 2023, UBND tỉnh Cao Bằng sẽ giữ quy mô tổ chức lễ hội du lịch này thành hoạt động thường niên của tỉnh. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phát triển du lịch ở địa phương, phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng và góp phần quảng bá hình ảnh con người và mảnh đất Cao Bằng tới bạn bè trong nước và quốc tế.
|