Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan cho biết việc gia nhập BRICS sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo của Thái Lan trong số các nước đang phát triển. Ảnh: Sputnik |
Trong một tuyên bố ngày 28/5, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết nội các ở Bangkok đã phê duyệt nội dung của công văn bày tỏ ý định gia nhập nhóm BRICS của Thái Lan.
Hãng tin RT dẫn lời ông Chai cho biết bức thư nhấn mạnh vào tầm quan trọng của thế giới đa cực và vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong các vấn đề quốc tế. Tầm nhìn của Thái Lan về tương lai phù hợp với các nguyên tắc BRICS và việc tham gia sẽ mang lại lợi ích cho đất nước về nhiều mặt, bao gồm nâng cao vai trò của nước này trên trường quốc tế và mang lại lợi ích cho nước này.
BRICS được thành lập vào năm 2009, gồm 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp Nam Phi vào năm 2010. Tới năm 2024, khối này tiếp tục kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Kể từ đó, 15 quốc gia khác đã thể hiện các dấu hiệu quan tâm đến việc gia nhập, bao gồm Bahrain, Belarus, Cuba, Kazakhstan, Pakistan, Sénégal và Venezuela.
Với dân số khoảng 3,5 tỷ người, khối BRICS mở rộng chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, BRICS hiện chiếm tới 36% GDP toàn cầu xét theo sức mua tương đương (PPP) so mức 30% của khối G7. Trong vòng 4 năm tới, người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), Dilma Rousseff, cho biết BRICS đặt mục tiêu vượt qua G7 về GDP danh nghĩa toàn cầu.
Ngày 27 và 28/5 vừa qua, Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Quốc tế BRICS (Diễn đàn IFE BRICS 2024) đã được khai mạc tại Moscow, Nga với sự tham gia của khoảng 700 khách mời từ khắp nơi trên thế giới. Mục tiêu chính của sự kiện là nhằm thúc đẩy sự gia nhập suôn sẻ của các nước BRICS vào các thị trường mới, đẩy mạnh thương mại và đầu tư lẫn nhau cũng như tăng cường mối quan hệ giữa giới kinh doanh, chính phủ và cộng đồng.
Phát biểu trong khuôn khổ sự kiện, Tổng thư ký Hội đồng Nhân dân Á - Âu Andrey Belyaninov cho biết Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do các nước BRICS thành lập có thể trở thành một nhân tố chính trong hệ thống quan hệ kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó về phía Phó Chủ tịch Ủy ban Hữu nghị, Hòa bình và Phát triển Nga-Trung Viktor Zvagelsky, ông nhận định rằng tình hình thế giới đang thay đổi và các nước thành viên BRICS sẽ đóng vai trò quan trọng trên trường toàn cầu không chỉ về mặt chính trị mà còn về mặt kinh tế học.
Ông cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng các quốc gia đại diện cho BRICS, bao gồm các quốc gia đã trở thành thành viên hoặc mong muốn gia nhập khối, sẽ đóng một vai trò quan trọng trên trường chính trị và kinh tế thế giới”.
Dưới tư cách chủ tịch luân phiên BRICS năm 2024, Nga còn tổ chức một sự kiện lớn khác trong năm nay là Hội nghị Thượng đỉnh BRICS từ ngày 22 – 24/10 tới tại Kazan. Trong nhiệm kỳ của mình, Nga cho biết sẽ tập trung vào việc "thúc đẩy toàn bộ phạm vi quan hệ đối tác và hợp tác trong khuôn khổ hiệp hội trên ba lĩnh vực chính - chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, cũng như quan hệ văn hóa và nhân đạo".