ABC News đưa tin, trong cuộc họp tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã chỉ đạo quân đội Mỹ tham gia hỗ trợ Israel bắn hạ tên lửa của Iran vào tối 1/10. Ông mô tả nỗ lực tấn công của Tehran là “bị đánh bại và không hiệu quả”.
“Đây là minh chứng cho năng lực quân sự của Israel và Mỹ. Đây cũng là minh chứng cho việc lập kế hoạch chặt chẽ giữa Mỹ và Israel để dự đoán và phòng thủ trước các cuộc tấn công trắng trợn. Mỹ hoàn toàn ủng hộ Israel,” ông Biden tuyên bố.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, ngày 1/10. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết bà “hoàn toàn ủng hộ” quyết định của Tổng thống Biden nhằm giúp Israel bắn hạ tên lửa Iran; đồng thời nhấn mạnh sự cam kết “không lay chuyển” của bà đối với Israel.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết cuộc tấn công ngày 1/10 của Iran là hành động leo thang đáng kể. “Chúng tôi đã nói rõ rằng sẽ có những hậu quả, những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc tấn công này và chúng tôi sẽ làm việc với Israel để giải quyết vụ việc,” ông Sullivan cho hay.
Cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào Israel, ngày 1/10. Video: RT |
Theo Times of Israel, Văn phòng Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết London “hoàn toàn lên án” hành động của Iran sau khi nước này bắn một loạt tên lửa đạn đạo vào Israel và kêu gọi giảm leo thang trên toàn khu vực. Ông Starmer cho biết đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những người đồng cấp Lebanon, Pháp và Palestine để thúc đẩy "một lộ trình chính trị tiến về phía trước".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết lực lượng Anh đã đóng vai trò ngăn chặn sự leo thang tiếp theo do cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel gây ra, nhưng từ chối nêu rõ họ tham gia như thế nào.
Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel đánh chặn tên lửa Iran, ngày 1/10. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết bà lên án cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran và yêu cầu Tehran phải chấm dứt cuộc tấn công ngay lập tức. “Chúng tôi đã khẩn cấp cảnh báo Iran về sự leo thang nguy hiểm này. Iran phải dừng cuộc tấn công ngay lập tức. Nó đang đẩy khu vực này đến bờ vực thẳm,” bà Baerbock viết trên X.
Về phía Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công của Iran và cho biết Paris đã huy động nguồn lực quân sự của mình ở Trung Đông để chống lại Tehran. Ông yêu cầu Hezbollah “chấm dứt các hành động khủng bố chống lại Israel và người dân nước này”, đồng thời kêu gọi Tel Aviv “ngừng các hoạt động quân sự càng sớm càng tốt”.
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Michel Barnier cho biết ông lo ngại về tình hình ở Cận Đông và Trung Đông đang xấu đi và ngày càng leo thang khi Iran tấn công Israel.
Lực lượng cứu hộ Israel kiểm tra khu vực trường học ở khu vực miền trung bị trúng tên lửa Iran, ngày 1/10. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng lên án vụ tấn công của Iran và kêu gọi chấm dứt vòng xoáy bạo lực đang tàn phá Trung Đông, trong khi Ngoại trưởng José Manuel Albares yêu cầu các bên liên quan đến cuộc xung đột cần phải kiềm chế.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese lên án cuộc tấn công của Iran là một “sự leo thang nguy hiểm”, nhấn mạnh rằng “các hành động thù địch tiếp theo sẽ gây nguy hiểm cho dân thường”.
Ông Josep Borrell Fontelles - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, cảnh báo rằng một "vòng xoáy nguy hiểm của các cuộc tấn công và trả đũa" đang diễn ra và có nguy cơ "vượt ra khỏi tầm kiểm soát". Ông Borrell cho biết EU "cam kết hoàn toàn đóng góp vào việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực", đồng thời nhấn mạnh rằng "cần phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: VCG |
Trong bài đăng trên X, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng chỉ trích cuộc xung đột ở Trung Đông ngày càng mở rộng với leo thang liên tục và một lần nữa kêu gọi ngừng bắn. “Điều này phải chấm dứt. Chúng ta hoàn toàn cần một lệnh ngừng bắn,” ông kêu gọi.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên lịch cuộc họp khẩn cấp vào 10h sáng 2/10 (giờ địa phương) tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ) về tình hình Trung Đông sau khi Iran phóng loạt tên lửa vào Israel.
Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon đã kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án Iran và chỉ định Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) là một tổ chức “khủng bố”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi cơ quan của Liên Hợp Quốc thực hiện “hành động có ý nghĩa” để ngăn chặn các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực. “Hoạt động phòng thủ của chúng tôi phù hợp với luật pháp quốc tế và quyền tự vệ. Chúng tôi chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự và an ninh,” Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố.
Phong trào Hamas ở Dải Gaza thì bày tỏ ủng hộ cuộc tấn công tên lửa của Iran để trả thù cho cái chết của thủ lĩnh tối cao Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh tối cao Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah và Chuẩn tướng Iran Abbas Nilforoushan – chỉ huy cấp cao trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Iran phóng 181 tên lửa đạn đạo vào Israel, trả đũa cho loạt vụ ám sát Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố Iran đã thực hiện cuộc tấn công tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu trên đất Israel, nhằm đáp trả cho cái chết của các lãnh đạo Hezbollah, Hamas và thành viên quân đội Iran. |