Trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn còn thận trọng quan sát, thị trường M&A Việt Nam trong năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, với hai ngành giàu triển vọng là công nghệ thông tin và giáo dục, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là bất động sản. |
Để hiểu rõ hơn về sự phục hồi của hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong năm 2024, cũng như triển vọng của thị trường trong năm 2025, Mekong ASEAN đã có buổi trò chuyện với ông Đinh Thế Anh – Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng bộ phận Tư vấn Mua bán & Sáp nhập doanh nghiệp của KPMG Việt Nam.
Mekong ASEAN: Sau năm 2023 suy giảm rõ nét, thị trường M&A ở Việt Nam tăng trưởng trở lại trong năm 2024, đi ngược xu thế chung của khu vực ASEAN. Ông/bà đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng này? Liệu xu hướng trên có tiếp tục trong năm 2025?
Ông Đinh Thế Anh: Nếu nhìn vào số liệu 9 tháng đầu năm 2024 thì giá trị giao dịch của thị trường M&A Việt Nam tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023, đi ngược lại xu thế chung của các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nhìn vào con số, đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự tăng trưởng của thị trường.
Đi sâu hơn vào các giao dịch, nếu như bỏ ra ngoài 2 thương vụ trị giá khoảng 1,4 tỷ USD của Vingroup là thoái vốn CTCP Phát triển Đầu tư và Thương mại SDI (sở hữu 41,5% cổ phần Vincom Retail) và VinFast ký hợp đồng mua lại CTCP VinES Energy Solutions, thì giá trị giao dịch của thị trường thực tế suy giảm gần 12%.
Theo quan sát của chúng tôi dựa vào những giao dịch mà KPMG đã và đang thực hiện, thị trường đang có những sự hồi phục chậm rãi nhất định.
Trên thực tế, thị trường đã khá trầm lắng trong 2 năm trở lại đây. Sự trầm lắng rồi cũng sẽ đến lúc qua đi, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng GDP, sự bình ổn về thể chế và niềm tin trở lại của các nhà đầu tư.
Bao giờ cũng sẽ có sự hồi phục nhất định của một số ngành, một số lĩnh vực mà nhà đầu tư có niềm tin đủ với thị trường. Những giao dịch mà KPMG đang thực hiện cho thấy những sự tiến triển, đồng thời là dấu hiệu quan trọng cho thấy sự hồi phục đang diễn ra.
Theo tôi, thị trường M&A Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng so với năm 2024. Tuy nhiên, tôi nghĩ thị trường sẽ phục hồi từ từ, chứ không phải đi thẳng đứng, và cũng sẽ khá thận trọng ở một số lĩnh vực và một số công ty.
Giá trị giao dịch M&A Việt Nam từ năm 2021 đến nay. Nguồn: KPMG Việt Nam |
Mekong ASEAN: Thị trường sẽ rất khó để quay lại đỉnh cao năm 2021, thưa ông?
Ông Đinh Thế Anh: Chính xác là như vậy. Đỉnh cao của năm 2021 tới từ nhiều lý do, trong đó lý do chính là việc tiền ở thời điểm đó rất nhiều và rẻ.
Câu hỏi đặt ra là thị trường có quay trở lại thời điểm tiền nhiều và rẻ như vậy không? Theo tôi, trong bối cảnh lãi suất đang cao như thế này, sẽ còn lâu để hạ lãi suất được xuống mức trong năm 2021.
Mekong ASEAN: Theo ông, đâu là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường M&A Việt Nam trong năm vừa qua?
Ông Đinh Thế Anh: Hai năm vừa rồi là giai đoạn không hề dễ dàng với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp châu Á nói chung. Doanh nghiệp phải cấu trúc lại để trở nên lành mạnh hơn, hoạt động tốt hơn, giảm chi phí vận hành, tập trung vào các hoạt động cốt lõi và tạo ra tiền.
Điều này tạo ra động lực để dẫn tới những cơ hội cho các hoạt động mua bán doanh nghiệp, điển hình là thương vụ Vingroup thoái một phần vốn tại Vincom Retail.
Bên cạnh đó, ở mảng bất động sản, một số doanh nghiệp nước ngoài chủ động mở rộng quỹ đất, ví dụ như CapitaLand mua dự án nhà ở trị giá 553 USD của Becamex IDC tại Bình Dương.
Từ trước đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng quỹ đất không hề dễ. Quỹ đất của thị trường bất động sản chủ yếu tới từ các nhà đầu tư trong nước. Khi thị trường có những khó khăn nhất định với các nhà đầu tư trong nước, việc nắm bắt cơ hội và mua lại dự án sạch, pháp lý hoàn thiện là cơ hội tốt cho nhà phát triển bất động sản nước ngoài.
Hai yếu tố trên là động lực chính của thị trường M&A trong 2 năm vừa qua.
Mekong ASEAN: Trong bối cảnh thị trường M&A nhộn nhịp trở lại, đi ngược xu hướng chung của khu vực, ông có thể đánh giá liệu đây là thị trường của bên mua hay bên bán?
Ông Đinh Thế Anh: Theo tôi, phần lớn thị trường là người mua không nhiều hơn người bán. Bên mua nhìn chung sau năm 2024 trải qua nhiều biến động trong bức tranh vĩ mô, các nhà đầu tư vẫn còn một chút chần chừ, muốn quan sát và chờ đợi thêm.
Bước vào năm 2025, khi niềm tin bắt đầu quay trở lại thì cán cân sẽ từ từ dịch chuyển. Với quan sát của KPMG, để niềm tin phục hồi hoàn toàn và người mua sẵn sàng gia nhập thị trường mua bán sầm uất như năm 2021 thì chưa.
Vẫn sẽ có một số ngành sôi động hơn những ngành khác. Ví dụ như Việt Nam đang có lợi thế lớn trong ngành công nghệ thông tin, công nghệ số thời gian qua cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Nhân sự kỹ thuật của Việt Nam có trình độ khá cao, trong khi chi phí ở mức phù hợp. Nhu cầu có đủ một lượng nhân sự IT đáp ứng đầy đủ chuyên môn đối với một công ty công nghệ là rất lớn. Đây là lý do rất nhiều doanh nghiệp từ châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều muốn có cơ sở tại Việt Nam.
Xu hướng dịch chuyển trong mảng AI hay chuyển đổi số – digital transformation đang diễn ra toàn cầu. Theo tôi, với những ngành như công nghệ thông tin, cán cân không chắc đã nằm ở bên bán mà có thể dịch chuyển sang bên mua.
Mekong ASEAN: Bên cạnh công nghệ thông tin, lĩnh vực nào sẽ trở thành “ngôi sao mới” của thị trường M&A Việt Nam trong năm 2025, thưa ông?
Ông Đinh Thế Anh: Một ngành sẽ có nhiều giao dịch trong năm 2025 là giáo dục, gồm hai phân khúc, bao gồm trường liên cấp, trung học và phân khúc thứ hai là tiếng Anh.
Ở thời điểm hiện tại, theo quan sát của tôi, có một số giao dịch trên thị trường đang được diễn ra. Các nhà đầu tư đang quan sát, theo dõi và đánh giá. Nếu thành công, đây sẽ là những tiếng vang lớn trên thị trường M&A.
Mekong ASEAN: Theo số liệu của KPMG, xấp xỉ một nửa giá trị giao dịch của thị trường M&A năm 2024 đến từ lĩnh vực bất động sản, với nhiều thương vụ lớn như Vingroup bán một phần vốn Vincom Retail hay Becamex IDC bán lại dự án khu đô thị Tân Thành, Bình Dương cho CapitaLand.
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu đang phục hồi mạnh mẽ, liệu chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những thương vụ lớn trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2025?
Ông Đinh Thế Anh: Thị trường M&A bất động sản có nhiều phân khúc, từ tích trữ quỹ đất cho đến phát triển dự án, hay thị trường tiêu thụ cuối cùng là bán cho người tiêu dùng, căn hộ hay đất nền.
Ở thời điểm hiện tại, việc đi tìm quỹ đất sạch và phù hợp, có giấy phép vẫn chiếm nhu cầu lớn trên thị trường. Cơ hội vẫn nằm nhiều ở đây nhiều hơn so với việc phát triển và bán sản phẩm ra thị trường.
Nút tắc của thị trường bất động sản là nguồn cung, khi không có nhiều dự án có đủ điều kiện để bán sản phẩm ra thị trường. Chúng ta phải giải quyết được vấn đề này thì bên cầu mới tăng lên thông qua đòn bẩy tài chính.
Trong bối cảnh đó, việc mở rộng quỹ đất với các dự án đầy đủ mặt pháp lý là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư bất động sản có nguồn lực.
Mekong ASEAN: Cần làm gì để giải quyết nút tắc này, thưa ông?
Ông Đinh Thế Anh: Nhìn về cung và cầu, với nguồn cung thì dự án cần phải có giấy phép để bán ra thị trường, còn bên cầu thì lãi suất phải hấp dẫn để hỗ trợ nhà đầu tư mua sản phẩm. Bên cạnh đó là sự tự tin của nhà đầu tư để đầu tư vào bất động sản, khi không có sự tự tin thì thị trường khó phát triển.
Có nhiều nút tắc cần phải tháo gỡ, tuy nhiên theo tôi, nguồn cung giống như cái nút thắt cổ chai, ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường. Khi nguồn cung được giải quyết phần nào thì cả bức tranh thị trường bất động sản sẽ hồi phục tích cực hơn.
Mekong ASEAN: Ông hãy đánh giá thị trường M&A bất động sản trong năm 2025?
Ông Đinh Thế Anh: Trên thị trường hiện tại vẫn có nhiều nhà phát triển bất động sản trong nước có nền tảng tài chính lành mạnh, có nguồn hàng, kinh doanh ổn định. Bên cạnh đó, các nhà phát triển nước ngoài có tiếng như CapitaLand, Gamuda Land vốn đã gây dựng được thương hiệu tốt thêm thị trường.
Các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng thêm quỹ đất, bên cạnh phát triển những dự án đang có.
Thị trường càng này càng phân hóa đặc biệt với phân khúc nhà để ở, tập trung vào những thương hiệu có tên tuổi, cả với người mua nhà để ở hay người mua để đầu tư, nhất là ở thị trường phía Nam. Sản phẩm của những doanh nghiệp này sẽ tiếp tục hút người mua.
Khi thị trường phân hóa, tạo ra những thương hiệu tốt để thị trường tập trung vào họ. Việc này theo tôi là tín hiệu tốt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Thị trường trước kia là của người bán, tức là nhà phát triển bất động sản cứ có hàng bán ra là có người mua, nhà đầu tư không thực sự quan tâm đến chất lượng xây dựng, thiết kế, ban quản trị, bảo trì…
Ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng đã thông thái hơn nhiều. Họ biết khi mua hàng thì các yếu tố bảo trì, cơ sở vật chất tiện ích xung quanh là rất quan trọng.
Mekong ASEAN:Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!