Thị trường ASEAN rộng lớn, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam

Thị trường ASEAN rộng lớn, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam

XUẤT KHẨU asean
07:59 - 31/08/2022
ASEAN là thị trường rất tiềm năng và có nhiều ưu đãi về thuế quan, nhưng để thực sự mở rộng được thị trường này, các doanh nghiệp Việt cần có những chiến lược cụ thể cùng các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Đứng thứ 4 trên thế giới về quy mô, ASEAN là thị trường "hơn cả tiềm năng" với hàng hóa Việt Nam. Hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương giữa Việt Nam với từng nước.

Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế của thị trường này, Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xung quanh việc các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng các lợi thế như thế nào và sắp tới cần có chiến lược gì để khai thác hiệu quả hơn nữa quan hệ thương mại với các nước ASEAN.

Mekong ASEAN: Ông có thể cho biết đánh giá của ông về tình hình xuất nhập khẩu những năm gần đây giữa Việt Nam và các nước ASEAN?

Ông Trần Thanh Hải: Thương mại song phương giữa Việt Nam và ASEAN trong những năm gần đây ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Nếu như năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN mới đạt 21,7 tỷ USD, thì đến năm 2021 con số này là 28,9 tỷ USD, tăng 32,9% so với 4 năm trước. Các nhóm hàng xuất khẩu chính gồm sắt thép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt, may…

Về nhập khẩu, năm 2017 nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN đạt 28,3 tỷ USD. Đến năm 2021, con số này là 41,1 tỷ USD, tăng mạnh 45,3% so với 4 năm trước.

Trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN đạt khoảng 70 tỷ USD, tăng 30,6% so với năm 2020.

Tính đến hết tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực ASEAN đạt 48,7 tỷ USD, tăng 57,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 20,5 tỷ USD, tăng 26,3%; nhập khẩu vào Việt Nam đạt hơn 28,3 tỷ USD, tăng trưởng 13,7%.

Các nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều từ ASEAN gồm có máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; xăng dầu; ô tô nguyên chiếc các loại…

Có thể nói, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang dần đa dạng và phong phú hơn về chủng loại và mẫu mã, đặc biệt là hàng dệt may, da giày… Một số sản phẩm có thị phần lớn và vị thế cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại thị trường đích.

Điều này một mặt cho thấy các doanh nghiệp Việt đang chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, một số mặt hàng nông, thủy sản, xuất khẩu còn gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường do cơ cấu hàng hoá có phần tương đồng giữa Việt Nam và các nước ASEAN.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh đó, sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường ASEAN có bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh của 5 đối tác kinh tế ngoài khu vực không, thưa ông? Chúng ta cần những giải pháp cụ thể gì để tận dụng Hiệp định này?

Ông Trần Thanh Hải: Việc tham gia Hiệp định RCEP đã mở ra cơ hội đối với hàng xuất khẩu không chỉ ở ưu đãi thuế quan mà còn ở nguyên tắc cộng gộp xuất xứ toàn khối. Nguyên tắc này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng được tiêu chí xuất xứ của Hiệp định, dễ dàng hưởng ưu đãi thuế quan, đặc biệt trong bối cảnh nhiều hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ các nước thành viên RCEP.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức khi tất cả các nước thành viên RCEP đều được hưởng lợi từ Hiệp định. Hơn nữa, nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tương tự Việt Nam hoặc sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn, gây ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa từ Việt Nam.

Dù vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động tìm hiểu các cam kết trong Hiệp định để vận dụng và phát huy có hiệu quả các ưu đãi, đồng thời đáp ứng quy định, yêu cầu cụ thể với từng ngành hàng thì cơ hội sẽ là nhiều hơn thách thức.

Để phát huy lợi thế từ Hiệp định RCEP, các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

Ngoài ra, việc thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa… cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần theo dõi sát biến động của kinh tế thế giới và khu vực, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.

Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa thế giới và khu vực để có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.

Mekong ASEAN: Tính trên quy mô, thị trường ASEAN vốn đứng thứ tư trên thế giới, vậy để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt thị trường này, theo ông cần giải pháp đồng bộ như thế nào từ các cơ quan quản lý, đến doanh nghiệp, hạ tầng hỗ trợ?

Ông Trần Thanh Hải: Để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường ASEAN, Bộ Công Thương đang tiếp tục chú trọng công tác triển khai thực hiện các FTA mà các nước ASEAN là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết của các FTA để vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, tận dụng tối đa các cơ hội, hạn chế thách thức từ những Hiệp định này.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa khu vực, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.

Đồng thời kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp cung cấp và doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Mekong ASEAN: Logistics là một trong những nguyên nhân chính khiến sản phẩm của Việt Nam gặp khó trong cạnh tranh về giá trên các thị trường xuất khẩu, kể cả ASEAN. Ông nhận định đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này và Bộ Công Thương sẽ có những biện pháp, chính sách nào để hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chi phí logistics?

Ông Trần Thanh Hải: Mặc dù gặp nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19, song sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam thông qua các hệ thống cảng biển trong năm 2021 vẫn đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 241 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 32% kế hoạch năm.

Đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Giá cước vận tải quốc tế bằng đường biển đã bắt đầu tăng mạnh từ quý 4/2020 và hiện vẫn đang ở mức cao. Điều này đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông thủy sản có tính thời vụ cao.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa kéo dài trên diện rộng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại nước này (đặc biệt là tại Thượng Hải - nơi có cảng container lớn nhất thế giới) cũng khiến hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển đối mặt thêm khó khăn.

Đồng thời, bất ổn về nguồn cung và tồn kho thấp trong khi nhu cầu vẫn tăng cao đã khiến các nhà nhập khẩu tăng cường dự trữ bằng mọi giá, gây nên tâm lý căng thẳng, thúc ép các doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp nhận chi phí cao để xuất được hàng.

Mặt khác, nguyên nhân chủ quan do năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, không có depot container rỗng đủ lớn hoặc ở quy mô nhỏ lẻ, không tập trung và không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu.

Việt Nam có rất ít doanh nghiệp kinh doanh đóng mới và sửa chữa container, đặc biệt là container chuyên dùng nên phải phụ thuộc vào lượng container của các hãng tàu nước ngoài. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ để quản lý và thu gom container còn chưa được rộng rãi, chưa kết nối được giữa đại lý hãng tàu, các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp chủ hàng có nhu cầu sử dụng container, dẫn đến tình trạng tồn đọng, khan hiếm container cục bộ.

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ trì làm việc với các hãng tàu để tăng chuyến, quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các đại lý hãng tàu tăng giá, thu các khoản phí bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng thời tổ chức các tọa đàm, đối thoại giữa hãng tàu, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa để kết nối cung cầu vận tải biển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý container rỗng, sử dụng hợp lý và hiệu quả container để tận dụng tối đa luân chuyển hai chiều. Bộ Công Thương luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải trong các hoạt động trên.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì triển khai các biện pháp giải quyết container tồn đọng để lấy vỏ container rỗng nhằm góp phần giảm giá cước vận tải đường biển ở mức cao.

Bộ sẽ trao đổi với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cũng như các Hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến vận tải biển. Từ đó, đề xuất, thống nhất phương án xử lý, hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng công nghệ cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường liên kết để phát triển.

Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai quy hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn cả nước, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải và các quy hoạch khác.

Đồng thời, tiếp tục chủ động rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa do Bộ Công Thương quản lý. Khuyến khích, kết nối các doanh nghiệp dịch vụ logistics với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là các loại hàng hóa nông thủy sản và trái cây có tính thời vụ cao thông qua việc ưu tiên bảo quản bằng kho lạnh và container lạnh, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa.

Bộ sẽ thường xuyên cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề có liên quan khác, qua đó kịp thời khuyến cáo tới các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp nhằm chủ động có phương án, giải pháp ứng phó, triển khai kịp thời đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, hạn chế tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển, cửa khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tổ chức hội thảo, hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp