Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: RT |
RT đưa tin, phát biểu trên kênh truyền hình sau cuộc họp nội các ngày 16/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết: “Người phải chịu trách nhiệm chính cho sự căng thẳng khiến trái tim chúng tôi quặn thắt vào tối 13/4 chính là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và chính quyền của ông ấy”.
Nhà lãnh đạo Ankara cáo buộc: “Kể từ ngày 7/10/2023, Chính phủ Israel đã lựa chọn những động thái khiêu khích nhằm lan rộng xung đột ra khắp khu vực. Israel đã nhắm mục tiêu vào lãnh sự quán Iran (trong Đại sứ quán Iran) ở Damascus, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Vienne và đó là giọt nước tràn ly cuối cùng”.
Khoảnh khắc tên lửa Iran được cho là lao xuống vùng sa mạc ở Negev, miền nam Israel. Video: IRNA |
Đêm 13/4, Iran đã thực hiện vụ không kích quy mô lớn có tên “Lời hứa Đích thực” (Honest Promise) bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa kéo dài khoảng 5 tiếng nhằm vào lãnh thổ Israel. Đây là động thái đáp trả của Tehran sau khi nước này cáo buộc Israel thực hiện vụ tấn công vào lãnh sự quán Iran (nằm trong Đại sứ quán Iran) ở thủ đô Damascus, Syria ngày 1/4 khiến 12 người thiệt mạng.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết Iran đã phóng khoảng 170 máy bay không người lái (UAV), hơn 30 tên lửa hành trình và hơn 120 tên lửa đạn đạo nhằm vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, "99%" trong số đó đã bị Lực lượng Không quân Israel và các đối tác gồm Mỹ, Anh, Pháp và Jordan đánh chặn.
Cũng trong bài phát biểu, ông Erdogan nhấn mạnh rằng các bên cần phải xem xét “gốc rễ” của vấn đề, thay vì chỉ phán xét sự kiện ngày 13/4. “Những gì đã xảy ra vào cuối tuần trước bắt nguồn từ tiêu chuẩn kép của phương Tây và chứng tỏ rằng một cuộc chiến tranh lớn hơn trong khu vực là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông nói.
Quang cảnh khu Đại sứ quán Iran tại Syria bị không kích ngày 1/4/2024. Ảnh: AP |
Ông cho biết, ngoại trừ một số ít các quốc gia thì “không ai lên tiếng sau vụ tấn công của Israel vào Đại sứ quán Iran tại Syria”. Tuy nhiên, nhiều bên đã ngay lập tức lên án Tehran sau khi nước này có động thái trả đũa Israel.
Người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích chiến dịch quân sự chống Hamas của Israel ở Dải Gaza và gọi đây là “chính sách diệt chủng”. Ông chỉ ra rằng có hơn 34.000 người dân Gaza đã thiệt mạng trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 132 ngày. Ông nói rằng cách duy nhất để hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực là ngăn chặn chúng.
Israel chưa bình luận về các tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc đụng độ giữa Israel với Iran diễn ra trong bối cảnh Tel Aviv cũng đang thực hiện các hoạt động quân sự chống lại lực lượng Hamas ở Dải Gaza và nhóm phiến quân Hezbollah ở vùng biên giới Lebanon.
Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Iran Sardar Bagheri ngày 14/4 tuyên bố, chiến dịch “trừng phạt” Israel vào tối 13/4 đã kết thúc nhưng các lực lượng vũ trang Iran vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẵn sàng “hành động nếu cần thiết”. “Nếu Israel trả đũa Iran, hành động tiếp theo của chúng tôi sẽ lớn hơn nhiều so với hành động quân sự tối qua,” ông nói thêm.
Trong khi đó, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi ngày 15/4 cảnh báo rằng Israel sẽ có phản ứng về vụ tấn công của Iran, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
“Việc phóng rất nhiều tên lửa, tên lửa hành trình và máy bay không người lái vào lãnh thổ Nhà nước Israel sẽ vấp phải phản ứng. Iran muốn làm tổn hại đến khả năng chiến lược của Nhà nước Israel, đó là điều chưa từng xảy ra trước đây,” ông Halevi nói.
Cho đến nay, nội các thời chiến của Israel được cho là vẫn đang cân nhắc cách phản ứng trước cuộc tấn công của Iran. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo về việc sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.