Times of Israel đưa tin, phát biểu tại một sự kiện của hiệp hội trường học Hồi giáo gần thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 7/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố hành động duy nhất có thể ngăn chặn “sự ngạo mạn” của nhà nước Israel là liên minh các nước Hồi giáo.
“Israel sẽ không dừng lại ở Dải Gaza. Nếu Israel tiếp tục theo cách này, họ sẽ để mắt đến nơi khác. Tiếp theo sẽ là đến các quốc gia khác trong khu vực. Họ sẽ đến Lebanon, Syria. Họ sẽ để mắt đến quê hương của chúng tôi,” ông Erdogan tuyên bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP |
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: “Đó là lý do tại sao chúng tôi nói rằng Hamas phản kháng thay mặt cho người Hồi giáo. Đó là lý do tại sao chúng tôi nói rằng Hamas đang không chỉ bảo vệ Gaza, mà còn bảo vệ vùng đất Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách cải thiện quan hệ với Ai Cập và Syria, nhằm mục đích “hình thành một đường lối đoàn kết chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng của chủ nghĩa bành trướng”.
Tuyên bố của Tổng thống Tayyip Erdogan được đưa ra sau khi các quan chức Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc binh sĩ Israel bắn chết một phụ nữ Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc biểu tình hôm 6/9 phản đối việc Israel mở rộng khu định cư ở Bờ Tây.
Về phía Israel, Ngoại trưởng Israel Katz đã đáp trả rằng các phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là “lời nói dối và kích động nguy hiểm”. “Israel đang bảo vệ biên giới và công dân của mình khỏi Hamas và ‘trục ma quỷ’ Shiite do Iran lãnh đạo. Ông Erdogan và Tổ chức Anh em Hồi giáo đã hợp tác trong nhiều năm với Iran để phá hoại các chế độ Ả Rập ôn hòa ở Trung Đông,” ông Israel Katz nhấn mạnh.
Quân đội Israel cho biết sau vụ việc hôm 6/9 rằng họ đang xem xét các báo cáo về một phụ nữ nước ngoài "đã thiệt mạng do bị bắn trong khu vực".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) bắt tay Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi (trái) tại Ankara, ngày 4/9. Ảnh: AFP |
Trong diễn biến liên quan, tuần này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tiếp đón Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tại thủ đô Ankara. Hai bên đã thảo luận về cuộc xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza và những cách thức để hàn gắn mối quan hệ vốn đã đóng băng lâu nay trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Ai Cập trong 12 năm.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Ai Cập đã bắt đầu “tan băng” vào năm 2020, khi Ankara bắt đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng với các đối thủ trong khu vực, bao gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Arabia Saudi.
Hồi tháng 7, Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gửi lời mời đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad "bất cứ lúc nào" để có thể đàm phán nhằm khôi phục quan hệ giữa hai nước láng giềng, vốn đã cắt đứt quan hệ vào năm 2011 sau khi cuộc nội chiến Syria nổ ra.
Kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra hồi tháng 10/2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần chỉ trích gay gắt chiến dịch quân sự của quân đội Israel khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza ngày càng gia tăng. Thổ Nhĩ Kỳ đã đón tiếp các thành viên Hamas – lực lượng mà Ankara không coi là khủng bố giống như Mỹ, Anh hay các nước phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc chiến ở Gaza, kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và đề nghị thiết lập một hệ thống để đảm bảo điều đó. Trước khi xung đột bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với Israel sau nhiều năm căng thẳng. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Dải Gaza đã khiến mối quan hệ giữa Tel Aviv và Ankara trở nên căng thẳng trở lại. Vào tháng 5 năm nay, Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dừng mọi hoạt động thương mại với Israel. |