Dinh tổng thống ở Nusantara vào ngày 27/3/2024. Ảnh: Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia |
Trong một tuyên bố được hãng tin CNA trích dẫn, Bộ trưởng Bộ Trao quyền Bộ máy Nhà nước và Cải cách quan liêu Abdullah Azwar Anas cho biết, sẽ có 11.916 công chức từ 38 bộ và cơ quan của Indonesia chuyển tới Nusantara trong giai đoạn đầu tiên vào tháng 9.
Ông Anas cho biết: “Chúng tôi đã có dữ liệu về những công chức nằm ở trong diện ưu tiên một, hai và ba. Vấn đề còn lại chỉ là việc thực thi”. Trước đó, một nhóm nhỏ hơn khoảng 1.500 công chức sẽ tới Nusantara từ tháng 8 sẽ giúp chuẩn bị cho mọi việc.
Theo kế hoạch, sự kiện này diễn ra khoảng một tháng sau lễ khánh thành dự kiến của Nusantara, hay còn được người dân địa phương gọi là Ibu Kota Negara hay IKN, trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh lần thứ 79 của Indonesia vào 17/8. Việc di chuyển các công chức đến Nusantara ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 3 năm nay nhưng kế hoạch đã bị lùi lại hai lần, với lần đầu tiên là tháng 7, sau đó là tháng 9.
Chính phủ sẽ chịu chi phí về chuyến bay và đóng gói hàng hóa. Ngoài ra, mỗi công chức dự kiến sẽ nhận được một căn hộ chính thức, được điều chỉnh tùy theo tình trạng sẵn có. Theo CNBC Indonesia đưa tin, các công chức chưa lập gia đình sẽ phải tạm thời chia sẻ căn hộ với những công chức khác vẫn còn độc thân khác cho đến khi quá trình phát triển tất cả các căn hộ hoàn tất.
Chính phủ Indonesia cũng sẽ cung cấp các khoản phụ cấp đặc biệt cho lứa công chức tiên phong chuyển đến Nusantara. Phạm vi bảo hiểm sẽ mở rộng cho vợ/chồng, hai con và một người trợ giúp gia đình nếu có.
Trước đó vào năm 2019, quyết định di dời thủ đô từ Jakarta với Kalimantan đã được Tổng thống Joko Widodo công bố do các nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, không khí, lũ lụt và tắc đường, đồng thời tăng cường phát triển ở miền đông Indonesia.
Nusantara đang được xây dựng theo 5 giai đoạn, với giai đoạn đầu tiên của siêu dự án trị giá 30 tỷ USD bao gồm xây dựng cung điện, một số bộ ngành và cơ sở hạ tầng cơ bản như đường sá và nhà ở được dự kiến hoàn thành trong năm nay. Đặc biệt, hãng truyền thông địa phương Kompas cho biết việc xây dựng các công trình quan trọng như văn phòng tổng thống, cung điện nhà nước và 4 tòa nhà của các bộ sẽ được hoàn thành và sẵn sàng trước Ngày Quốc khánh vào tháng 8.
Giai đoạn cuối cùng trong quá trình xây dựng Nusantara dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2045 khi Nusantara được kết nối với các thành phố xung quanh như Balikpapan và Samarinda.
Với động thái này, Indonesia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ ba di dời thủ đô của mình sau hai nước cùng khu vực là Malaysia và Myanmar.
Tương tự với Indonesia, các văn phòng chính phủ Malaysia cũng được đặt ở các địa điểm trên khắp Kualar Lumpur trước đây. Tuy nhiên vì tắc đường ngày càng tồi tệ, khoảng cách giữa các nơi dần trở thành trở ngại chính trong các quy trình hành chính của quốc gia này. Do đó, chính phủ đã di dời tất cả các cơ quan tới một địa điểm tập trung hơn để tạo thành một trung tâm quản lý hành chính hoạt động có hiệu quả - thủ đô hành chính Putrajaya vào năm 2003.
Tại Myanmar, thủ đô mới với cái tên Naypyidaw mà theo tiếng Burma có nghĩa là “nơi ở của các vị vua” được chính thức chuyển đổi vào tháng 3/2006 từ thủ đô cũ Yangon. Thủ đô mới được đặt tại một địa điểm gần thành phố Pyinmana, cách Yangon khoảng 320km về phía Bắc và có diện tích 7.054km vuông.