Thủ tướng gặp các đối tác quan trọng tại Saudi Arabia

Hợp Tác Saudi Arabia
11:54 - 20/10/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia Faisal bin Fadhil Al-Ibrahim. Ảnh : VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia Faisal bin Fadhil Al-Ibrahim. Ảnh : VGP
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 19/10, trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch, Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội, Thống đốc Quỹ đầu tư công và Giám đốc điều hành Quỹ phát triển Saudi Arabia.

Sớm giải quyết vướng mắc về xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của Việt Nam sang Saudi Arabia

Tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia Faisal bin Fadhil Al-Ibrahim, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng những thành tựu to lớn của Saudi Arabia trong việc đa dạng hoá và phát triển các ngành kinh tế phi dầu mỏ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển xanh, bền vững, hướng đến hiện thực hoá mục tiêu trong Chiến lược "Tầm nhìn 2030".

Khẳng định quan hệ hợp tác Việt Nam - Saudi Arabia đang trên đà phát triển rất tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác, Thủ tướng đề nghị hai nền kinh tế tăng cường kết nối, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

Trong đó ưu tiên các lĩnh vực như năng lượng, tài chính ngân hàng, và những lĩnh vực mới như hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm Halal, chuyển đổi số…

Về thương mại, Thủ tướng đề nghị hai bên tạo điều kiện cho các mặt hàng thế mạnh của nhau thâm nhập vào thị trường mỗi nước; phối hợp trao đổi sớm giải quyết vướng mắc trong việc xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của Việt Nam sang Saudi Arabia.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường hợp tác, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, giao lưu nhân dân, văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đẩy mạnh kết nối giao thông, hàng không…

Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia nhấn mạnh hai nước có thể tận dụng thị trường của nhau để làm cửa ngõ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia nhấn mạnh hai nước có thể tận dụng thị trường của nhau để làm cửa ngõ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Faisal bin Fadhil Al-Ibrahim đánh giá cao thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong điều hành và phát triển kinh tế.

Bộ trưởng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công nghiệp và Mỏ, Chủ tịch phân ban phía Saudi Arabia trong cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Saudi Arabia để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là về thương mại - đầu tư.

Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia nhấn mạnh, hai nước có thể tận dụng thị trường của nhau để làm cửa ngõ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam trong thời gian tới và hoàn tất đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác với các đối tác của Việt Nam.

Để đạt được các mục tiêu trên trên, hai bên nhất trí nghiên cứu thành lập các tổ công tác chung về kinh tế, sớm tổ chức kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 5 trong thời gian tới và nghiên cứu nâng cao hiệu quả cơ chế này trong rà soát và thúc đẩy hợp tác song phương.

Saudi Arabia muốn tiếp nhận thêm nhiều lao động từ Việt Nam

Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Saudi Arabia Ahmad bin Sulaiman AlRajhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, lao động là lĩnh vực hợp tác quan trọng, không thể thiếu trong hợp tác song phương, đặc biệt trong bối cảnh Saudi Arabia đang triển khai nhiều dự án đô thị, cơ sở hạ tầng lớn… trong quá trình triển khai Chiến lược "Tầm nhìn 2030".

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này, Thủ tướng đề xuất hai bên tăng cường trao đổi giữa các cơ quan quản lý lao động, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, kết nối thị trường lao động, đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác lao động nhằm hỗ trợ nhau bổ sung nguồn nhân lực chất lượng trong quá trình phát triển đất nước.

Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Ahmad bin Sulaiman AlRajhi cho biết Saudi Arabia có kế hoạch tăng tiếp nhận thêm 10 triệu lao động nước ngoài trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Ahmad bin Sulaiman AlRajhi cho biết Saudi Arabia có kế hoạch tăng tiếp nhận thêm 10 triệu lao động nước ngoài trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Phát triển xã hội Ahmad bin Sulaiman AlRajhi cho biết, Saudi Arabia có rất nhiều mục tiêu tham vọng trong lĩnh vực nhân lực, lao động, trong đó có kế hoạch tăng tiếp nhận thêm 10 triệu lao động nước ngoài trong thời gian tới tại các lĩnh vực, nhất là sản xuất công nghiệp, năng lượng, y tế, du lịch…

Bộ trưởng đánh giá cao chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam, trong đó có lao động tay nghề cao và khẳng định tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này còn rất lớn.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn hai bên cùng phối hợp, sớm giải quyết các khó khăn trong hợp tác lao động để đưa thêm nhiều lao động Việt Nam sang Saudi Arabia thời gian tới, nhất là về khuôn khổ pháp lý, hợp tác đào tạo và xây dựng cơ chế tuyển dụng hiệu quả.

Đề nghị Việt Nam và Saudi Arabia nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư chung

Quỹ Đầu tư công Saudi Arabia (PIF) được thành lập năm 1971, với nhiệm vụ thành lập và quản lý các công ty hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế Saudi Arabia.

Tháng 3/2015, Chính phủ Saudi Arabia ra nghị quyết điều chỉnh cơ cấu tổ chức của PIF, chuyển quyền quản lý Quỹ PIF từ Bộ Tài chính sang Hội đồng Các vấn đề kinh tế và phát triển quỹ do Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman làm Chủ tịch.

Đây là bước đi lịch sử, cho phép PIF có nhiều quyền hạn hơn trong việc quyết định các dự án đầu tư. Với số vốn ước tính lên tới 620 tỷ USD, PIF hiện là 1 trong 10 quỹ đầu tư công lớn nhất thế giới.

PIF hiện là cơ quan đầu tư và giám sát việc triển khai các siêu dự án của Saudi Arabia, như dự án phát triển khu vực Biển Đỏ, dự án thành phố thông minh NEOM...

Trên bình diện quốc tế, PIF đã đầu tư vào các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, Mỹ Latin, châu Phi..., trên các lĩnh vực y tế, công nghệ, bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ... PIF đang nắm giữ cổ phần tại nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Softbank, Uber, Blackstone...

Thủ tướng đề nghị Quỹ mở rộng và đa dạng hóa hoạt động đầu tư dưới các hình thức và tăng cường nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị Quỹ mở rộng và đa dạng hóa hoạt động đầu tư dưới các hình thức và tăng cường nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam. Ảnh: VGP

Tại buổi tiếp, ông Yasir Al-Rumayyan, Thống đốc Quỹ đầu tư công Saudi Arabia cho biết hiện nay PIF đã đầu tư 160 triệu USD vào Việt Nam thông qua hình thức đầu tư gián tiếp.

Ông cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để quỹ hoạt động hiệu quả và cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho các dự án lớn hơn tại Việt Nam để phát triển hạ tầng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của Quỹ Đầu tư công Saudi Arabia trong việc thúc đẩy phát triển, chuyển đổi và đa dạng hóa nền kinh tế của Saudi Arabia, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược "Tầm nhìn 2030" của Saudi Arabia.

Tiềm năng, triển vọng các đại dự án đô thị, thành phố thông minh, giải đấu thể thao mang tầm cỡ quốc tế... mà PIF đang triển khai được cộng đồng quốc tế quan tâm, đánh giá cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của Saudi Arabia.

Thủ tướng cho biết, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Saudi Arabia thời gian qua đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021. Trong 9 tháng năm 2023 đạt trên 2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Saudi Arabia đạt gần 850 triệu USD, và nhập khẩu từ Saudi Arabia là 1,2 tỷ USD.

Để tạo đột phá cho hợp tác về đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Quỹ PIF mở rộng và đa dạng hóa hoạt động đầu tư dưới các hình thức trực tiếp, gián tiếp, hợp tác nhiều bên và tăng cường nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam.

Trong đó có thể kể đến như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, công nghiệp, du lịch, công nghiệp Halal..., đặc biệt là hạ tầng giao thông như đường sắt, đường kết nối liên vùng, đô thị và ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng cũng đề nghị Việt Nam và Saudi Arabia nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư chung để thực hiện các dự án đầu tư tại mỗi nước. Đây là mô hình hợp tác đầu tư đã được triển khai thành công giữa Việt Nam và Oman, cũng như giữa Saudi Arabia và một số nước trên thế giới.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan phụ trách đầu tư của hai nước, đặc biệt trong việc chia sẻ thông tin, chính sách, giới thiệu cơ hội đầu tư tại các dự án tiềm năng tại mỗi nước và tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị ông Yasir Al- Rumayyan và Ban Lãnh đạo PIF trao đổi cụ thể với các đối tác Việt Nam về khả năng hợp tác đầu tư; góp ý xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước.

Đề nghị Quỹ SDF xem xét điều chỉnh quy định, điều kiện vay theo hướng ưu đãi hơn và phù hợp với Việt Nam

Quỹ Phát triển Saudi Arabia (SFD) là quỹ quốc gia do Chính phủ Saudi Arabia thành lập nhằm cung cấp vốn hỗ trợ phát triển cho các nước đang phát triển. Kể từ 2010, Việt Nam đã vay vốn từ Quỹ với 12 dự án trị giá trên 165 triệu USD.

Tại buổi tiếp, ông Al-Marshad, Giám đốc điều hành Quỹ đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để quỹ hoạt động hiệu quả tại Việt Nam và cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho các dự án tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Quỹ SDF xem xét có những điều chỉnh quy định, điều kiện vay theo hướng ưu đãi hơn và phù hợp với Việt Nam. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị Quỹ SDF xem xét có những điều chỉnh quy định, điều kiện vay theo hướng ưu đãi hơn và phù hợp với Việt Nam. Ảnh: VGP

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động hợp tác của Quỹ phát triển Saudi Arabia với Việt Nam. Nguồn vốn vay từ Quỹ SFD có ý nghĩa quan trọng với các dự án và địa phương thụ hưởng, giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn của Việt Nam.

Thủ tướng cho biết hiện nay Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng mà đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Với tư duy và định hướng phát triển mới, nhu cầu sử dụng vốn ngày càng cao hơn, vì vậy Việt Nam muốn thay đổi cách vay để đầu tư một cách có trọng tâm trọng điểm hơn, quy mô lớn hơn, lĩnh vực quan trọng hơn, thủ tục đơn giản hơn và cần sự ưu đãi lớn hơn so với các dự án trước đây, nhất là các dự án đường sắt, giao thông đô thị, cao tốc liên vùng, hạ tầng chuyển đổi số, thể thao, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đề nghị hai bên cần có tổ công tác sang làm việc với nhau để triển khai các dự án trong thời gian tới. Hai bên cùng phối hợp để triển khai các cam kết, trong đó có cam kết của Chủ tịch Quỹ SFD trong chuyến thăm tới Việt Nam tháng 9 vừa qua, đem lại kết quả cụ thể, thực chất trong lĩnh vực viện trợ phát triển, qua đó góp phần vào việc tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Saudi Arabia.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì kênh liên lạc, trao đổi thường xuyên và Quỹ SDF xem xét có những điều chỉnh quy định, điều kiện vay theo hướng ưu đãi hơn và phù hợp với các quy định hiện tại của Việt Nam trong việc vay vốn ODA nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc tiếp