Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AP |
Theo TASS, phát biểu với đài phát thanh Kossuth ngày 31/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, mỗi tuần ông lại thấy ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy EU và NATO đang chuẩn bị hành động quân sự.
Nhà lãnh đạo Hungary chỉ ra rằng “việc tiến hành chiến tranh không xảy ra trong một bước”. Ông nói: “Có 3 giai đoạn: thảo luận, chuẩn bị và hủy diệt. Bây giờ chúng tôi đang kết thúc cuộc thảo luận và đang trong giai đoạn chuẩn bị. Chúng tôi chỉ còn cách sự hủy diệt vài inch”.
Theo Thủ tướng Orban, đã có ít nhất 2 diễn biến trong tuần qua cho thấy châu Âu ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột Ukraine và đang “tiến gần đến chiến tranh”.
Trước hết, ông cho biết “đã có cuộc đàm phán giữa Pháp và Ukraine về việc cho phép các huấn luyện viên quân sự Pháp tới Ukraine” để huấn luyện binh lính Ukraine. Nhà lãnh đạo Hungary nhấn mạnh rằng “nếu Pháp thực hiện điều này, đây sẽ là một cấp độ mới” về sự tham gia của các nước EU và NATO trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Thứ hai, ông Orban nói rằng châu Âu đang thảo luận về khả năng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. “Ngày càng có nhiều người nói rằng vũ khí do phương Tây cung cấp không chỉ được sử dụng để phòng thủ mà còn để tấn công. Nếu không có NATO, Ukraine sẽ không thể tấn công lãnh thổ Nga, nhưng nếu họ có thể, chúng tôi đang tiến thêm một bước nữa trong quá trình tham gia vào cuộc chiến,” ông cảnh báo.
Theo Thủ tướng Orban, cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang là do Ukraine và phương Tây muốn giành chiến thắng. “Ukraine cho rằng họ có thể đánh bại Nga và các nước phương Tây cảm thấy an toàn hơn các nước tiền tuyến ở Trung và Đông Âu. Đây là lý do chính khiến họ cư xử khác với chúng tôi. Họ muốn đánh bại Nga, họ muốn đạt được thành công quân sự bằng bất cứ giá nào,” ông giải thích.
Người đứng đầu Chính phủ Hungary nói rằng nước này sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn Hungary bị lôi kéo vào cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine. “Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi và người Hungary không nên đau khổ vì nó. NATO là một liên minh phòng thủ mạnh mẽ được thành lập để bảo vệ các quốc gia thành viên chứ không phải để can thiệp vào một cuộc chiến khác,” ông nhấn mạnh.
Nga, Ukraine và NATO chưa bình luận về các tuyên bố của Thủ tướng Hungary.
Trong những tuần gần đây, vấn đề cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa đã trở thành chủ đề nóng tại nội bộ các nước phương Tây. Đầu tháng 5, Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố rằng Kiev có mọi quyền sử dụng vũ khí của London để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.
Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với tờ Economist rằng các thành viên của khối - những nước đang cung cấp vũ khí cho Ukraine, nên xem xét việc cho phép Kiev sử dụng những vũ khí này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Ông Stoltenberg đã lặp lại quan điểm này trong phát biểu vào ngày 30/5 rằng: “Tôi tin rằng đã đến lúc xem xét một số hạn chế để giúp Ukraine thực sự tự vệ”. Theo người đứng đầu NATO, quyền tự vệ này bao gồm “tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên ngoài Ukraine”.
Cũng trong ngày 30/5, các hãng thông tấn như Reuters, CNN dẫn các nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden được cho là đã âm thầm cho phép Ukraine thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Washington cung cấp.
Tuy nhiên, nguồn tin của Reuter lưu ý rằng, quyết định của Tổng thống Biden chỉ áp dụng đối với các mục tiêu bên trong nước Nga gần biên giới với khu vực Kharkov. Mỹ vẫn “không thay đổi” chính sách cấm quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS - có tầm bắn lên tới 300 km và các loại vũ khí tầm xa khác do nước này cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Một số quốc gia châu Âu gồm Anh, Hà Lan, Thụy Điển, các nước vùng Baltic, Phần Lan, Đan Mạch, Đức và Pháp đã lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách vũ khí đối với Ukraine. Tuy nhiên, một số bên khác lo ngại khả năng phương Tây và Nga có thể đối đầu trực tiếp.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 28/5 cảnh báo các thành viên NATO ở châu Âu đang “đùa với lửa” nếu để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Putin nhấn mạnh rằng động thái này có thể gây ra xung đột toàn cầu.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/5 cho biết: “Động thái này sẽ gây tổn hại rất lớn đến lợi ích của những quốc gia đã chọn con đường leo thang căng thẳng”