Thủ tướng nêu chìa khoá khai thông bế tắc về biến đổi khí hậu

Hợp Tác COP28
12:23 - 03/12/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Trưa 2/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28).

Thủ tướng bày tỏ lo ngại trước các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Hệ thống khí hậu gần đến giới hạn đỏ, trong khi khoảng cách giữa cam kết và hành động khí hậu còn xa, nguồn lực cho biến đổi khí hậu bị phân tán do sự cạnh tranh, phân tách, chiến tranh, xung đột.

Từ đó, Thủ tướng cho rằng phương châm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện" là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu. Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực và hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý, thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc, kết hợp với đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; hợp tác, đoàn kết quốc tế là quan trọng. Bên cạnh đề cao chủ nghĩa đa phương, Thủ tướng cho rằng cần lấy người dân, lợi ích chung toàn cầu là trung tâm, chủ thể, không để bất cứ quốc gia nào, người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Cần đa dạng hóa huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp công và tư, trong và ngoài, song phương và đa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là nguồn lực tư nhân. Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển và chậm phát triển, nhất là về vốn, công nghệ, quản trị, thể chế. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính mình.

Thủ tướng cũng đề cao công bằng, công lý khí hậu và nhấn mạnh cần bảo đảm tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm khả năng tiếp cận năng lượng sạch cho mọi doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh, kể từ Hội nghị COP26 đến nay, với trách nhiệm đối với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai toàn diện hàng loạt biện pháp theo ba nhóm giải pháp.

Về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, Việt Nam đã ban hành Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch Điện VIII, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo.

Về thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã thành lập Ban Thư ký và công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Về xây dựng thể chế, Việt Nam đã xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo, cũng như đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế tăng cường đoàn kết, nỗ lực, hành động quyết liệt, hiệu quả và cố gắng hơn nữa vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, sự mát lành của Trái Đất và vì hạnh phúc, ấm no của mọi người dân trên thế giới.

Lãnh đạo cấp cao nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ba định hướng hợp tác trong G77 nhằm giảm thiểu dấu chân "carbon" trên con đường phát triển

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị COP 28, chiều 2/12 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu.

Hội nghị do Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez - Chủ tịch Nhóm G77 năm 2023 chủ trì, có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cùng Lãnh đạo cấp cao, đại diện từ 134 nước thành viên Nhóm G77 và đông đảo các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, nhận định biến đổi khí hậu đang khiến các nước G77 ngày càng gặp nhiều thách thức trên chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Thủ tướng đã chia sẻ ba định hướng hợp tác trong G77 nhằm giảm thiểu dấu chân "carbon" trên con đường phát triển.

Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh cần ứng phó vấn đề này thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương, bảo đảm không ai hay nước nào bị bỏ lại phía sau. Cần bảo đảm công bằng, hợp lý giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu, giữa nhu cầu phát triển và chuyển đổi xanh.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần đưa nội hàm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong G77. Cần thiết lập các cơ chế hợp tác bao trùm, trong đó, tận dụng tốt thế mạnh của cả các nước phát triển (về vốn, công nghệ) và nhóm nước đang phát triển (về thị trường, tài nguyên).

Ngoài ra, cần thúc đẩy tài chính ưu đãi cho khí hậu để làm đòn bẩy, giúp mở khoá các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Tài chính khí hậu cần dễ tiếp cận hơn, không làm gia tăng gánh nặng nợ công và không đánh đổi nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển khác.

Thủ tướng đề xuất 3 định hướng hợp tác trong G77 để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP
Thủ tướng đề xuất 3 định hướng hợp tác trong G77 để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đánh giá rất cao vai trò dẫn dắt của Cuba trên cương vị Chủ tịch Nhóm G77 trong thúc đẩy các thoả thuận chung và ủng hộ quan điểm chung của Nhóm đối với các vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ quyết tâm chuyển đổi xanh của Việt Nam qua cam kết mạnh mẽ tại COP26, tham gia JETP, triển khai các quy hoạch, đề án, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng; bày tỏ sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm với các nước G77.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hình mẫu về quan hệ đối tác Bắc - Nam trong chuyển đổi năng lượng, cũng như thúc đẩy các cơ chế hợp tác Nam - Nam và ba bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu với các nước G77.

Tin liên quan

Đọc tiếp