Thủ tướng Pháp Michel Barnier. Ảnh: AP |
Theo hãng tin AP, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier tại Quốc hội đã kết thúc với 331 phiếu chấp thuận so với 288 phiếu tối thiểu cần có. Với kết quả này, nhiệm kỳ 3 tháng của ông Barnier trở thành nhiệm kỳ ngắn nhất trong nền Cộng hòa hiện đại của Pháp bắt đầu từ năm 1958.
Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ thực hiện một bài phát biểu trước người dân Pháp tối ngày 5/12 và ông Barnier dự kiến sẽ chính thức từ chức vào thời điểm đó.
Trước cuộc bỏ phiếu, ông Barnier cho biết: "Tôi có thể nói với các bạn rằng việc phục vụ nước Pháp và người dân Pháp luôn là một vinh dự đối với tôi. Động thái bất tín nhiệm này sẽ khiến mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn và khó khăn hơn. Đó là điều tôi chắc chắn”.
Trước mắt, ông Macron dự kiến sẽ phải bổ nhiệm một Thủ tướng mới trong bối cảnh Quốc hội nước này bị chia rẽ sâu sắc do không có đảng nào chiếm đa số. Ngoài ra, việc không có cuộc bầu cử lập pháp mới nào có thể được tổ chức cho đến ít nhất là tháng 7 năm sau đang tạo ra thêm sự bế tắc cho các nhà hoạch định chính sách. Nước Pháp đứng trước nguy cơ kết thúc năm 2024 mà không có một chính phủ ổn định và một kế hoạch ngân sách cho năm 2025.
Hiện Hạ viện Pháp bao gồm 3 khối chính: phe trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron, liên minh cánh tả New Popular Front với đảng France Unbowed (LFI) chiếm số ghế lớn nhất, và Đảng National Rally (RN) cực hữu. Hiện hai bên cánh tả và cực hữu đang cùng chống lại ông Barnier với cáo buộc ông áp đặt các biện pháp cắt giảm chi tiêu quá đà trong khi không giải quyết được nhu cầu của người dân.
Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, lãnh đạo RN Marine Le Pen cho biết: "Chúng tôi phải đưa ra lựa chọn và lựa chọn của chúng tôi là bảo vệ người Pháp khỏi một kế hoạch ngân sách độc hại". Bà Le Pen cũng cáo buộc ông Macron phải "chịu phần lớn trách nhiệm cho tình hình hiện tại", đồng thời khẳng định "áp lực lên Tổng thống sẽ ngày càng mạnh hơn". Trong khi đó, đảng LFI yêu cầu ông Macron từ chức.
Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia hồi đầu tuần, Tổng thống Pháp khẳng định không sẽ không từ chức mà sẽ tiếp tục phục vụ cho tới hết nhiệm kỳ của mình vào năm 2027. Hãng tin AP dẫn lời ông cho biết: "Tôi ở đây vì tôi đã được người dân Pháp bầu hai lần”.
Nhiều chuyên gia nhận định sự không chắc chắn trong nền chính trị có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính của Pháp. Thâm hụt của nước này ước tính sẽ đạt 6% GDP trong năm 2024 và con số này có thể tăng lên 7% vào năm tới nếu không có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Bất ổn chính trị có thể đẩy lãi suất của Pháp lên cao hơn, khiến nợ càng tăng cao hơn nữa.
Ông Carsten Brzeski, giám đốc kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng ING, nhận định rằng sự không chắc chắn về tương lai của chính phủ và tài chính của Pháp đang cản trở đầu tư và tăng trưởng. Ông Brzeski cho biết: "Tác động của việc Pháp không có chính phủ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng của nước này và do đó là Khu vực đồng tiền chung châu Âu".