Thủ tướng: 'Xây dựng quy hoạch là quan trọng, nhưng thẩm định còn quan trọng hơn'

QUY HOẠCH QUỐC GIA
10:49 - 14/09/2022
Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: MPI
Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: MPI
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thực hiện Quy hoạch cần tập trung vào quan điểm: Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân.

Để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch theo đúng khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tổ chức sáng 14/9, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thành lập theo Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tư duy bắt đầu từ đổi mới

Nhấn mạnh tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch trên cơ sở bám sát.

Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2025, 2030 và 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Thực hiện Quy hoạch cần tập trung vào quan điểm: Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân. Quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược”.

Từ đó, Thủ tướng định hướng, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực. Trong đó, nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá.

“Việc xây dựng Quy hoạch đã quan trọng, nhưng công tác thẩm định còn quan trọng hơn. Đây là công việc khó bởi được làm lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp, nhạy cảm. Do đó phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Quy hoạch tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm

Quy hoạch là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm

Đầu tiên là xác định các quan điểm lớn về phát triển quốc gia. Bộ trưởng Dũng cho biết, quan điểm, tư tưởng lớn của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển.

Cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Bộ trưởng KH&ĐT: Quy hoạch là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước.

Bộ trưởng KH&ĐT: Quy hoạch là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước.

Nhiệm vụ thứ hai được Bộ trưởng KH&ĐT chỉ ra là xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay.

Quy hoạch đã lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất (vùng lõi) để hình thành các vùng động lực quốc gia, gồm: Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Hạ Long, Vân Đồn), Tứ giác TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi và Tam giác Cần Thơ - An Giang (Long Xuyên) - Kiên Giang (Rạch Giá, Phú Quốc) với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.

Cùng với đó, Quy hoạch sẽ hình thành các trục và hành lang kinh tế, tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông; 2 hành lang kinh tế Đông – Tây (gồm: Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang Mộc Bài - TP. HCM - Vũng Tàu. Từng bước hình thành và phát triển các hành lang Đông - Tây khác.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: MPI.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: MPI.

Hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng là mục tiêu thứ tư được lãnh đạo Bộ KH&ĐT chỉ ra với mục tiêu hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực. Nhiệm vụ này được thực hiện thông qua các giải pháp cụ thể được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, gồm:

Xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn.

Phát triển hạ tầng năng lượng, bảo đảm cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định, chất lượng cao, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia. Phát triển hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ưu tiên đầu tư các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, các vùng động lực. Xây dựng một số bệnh viện ngang tầm khu vực và quốc tế. Hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại.

Xây dựng, hiện đại hoá một số trung tâm văn hóa, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, khu liên hợp thể thao quốc gia... đạt tiêu chuẩn quốc tế. Quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội tại các địa bàn khó khăn, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội.

Trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện quy hoạch.

Bộ cũng gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế trung ương và 5 Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và các địa phương, đồng thời đăng tải hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&ĐT để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, Quy hoạch cũng tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có quy hoạch quốc gia của các nước như Malaixia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản – các nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp