Thượng đỉnh Mỹ - Trung: 'Thế giới đủ lớn để hai nước cùng thịnh vượng'

MỸ TRUNG QUỐC
09:00 - 15/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong bối cảnh quan hệ hai nước ở mức thấp nhất nhiều thập kỷ.

Cuộc gặp diễn ra trong thời điểm đảng của ông Biden vừa có được chiến thắng quan trọng ở Thượng viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ, trong khi ông Tập Cận Bình mới tái đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba tại đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng trước.

Mỹ - Trung không cần có thêm cuộc Chiến tranh Lạnh mới

Reuters đưa tin, theo thông cáo sau hội đàm của Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc, bao gồm đầu tư vào các nguồn lực trong nước, gắn kết các nỗ lực với đồng minh và đối tác trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh rằng hai bên phải quản lý sự khác biệt, ngăn cạnh tranh lệch hướng trở thành xung đột, đồng thời phải duy trì các đường dây liên lạc. "Mỹ sẽ không thể giải quyết mọi vấn đề với Trung Quốc, nhưng chúng ta không cần có thêm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới", ông Biden nói.

Ông Biden tuyên bố Mỹ và Trung Quốc cần quản lý sự khác biệt, ngăn cạnh tranh lệch hướng trở thành xung đột. Ảnh: AFP

Ông Biden tuyên bố Mỹ và Trung Quốc cần quản lý sự khác biệt, ngăn cạnh tranh lệch hướng trở thành xung đột. Ảnh: AFP

Trong khi đó, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai bên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và sâu sắc về các vấn đề chiến lược quan trọng trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề toàn cầu. Ông Tập Cận Bình khẳng định thế giới "đủ lớn" để Mỹ - Trung cùng tồn tại và phát triển thịnh vượng. Ông cũng nhấn mạnh rằng hai nước nên hình thành nhận thức đúng đắn về các chính sách đối nội, đối ngoại và các ý định chiến lược của nhau.

“Trung Quốc không tìm cách thay đổi trật tự quốc tế hiện có hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ và không có ý định thách thức hoặc thay thế Mỹ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong thông cáo.

Lằn ranh đỏ giữa hai nước

Về vấn đề Đài Loan, Tổng thống Biden nhắc lại chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ không thay đổi. Tuy nhiên, Washington phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng, đồng thời khẳng định duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là lợi ích của thế giới, theo Reuters.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là nền tảng chính trị và "là lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua" trong quan hệ Mỹ - Trung. Ông Tập cho biết ông hy vọng Mỹ sẽ hành động đi đôi với lời nói và tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”.

Vấn đề Đài Loan là "lằn ranh đỏ đầu tiên" của Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Vấn đề Đài Loan là "lằn ranh đỏ đầu tiên" của Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đề cập đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay và tuyên bố nước này "đứng về phía hòa bình và tiếp tục khuyến khích các cuộc đàm phán hòa bình".

Hai bên cũng nhắc lại thỏa thuận chung về việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, đồng thời phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo thống nhất quan điểm rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ được phép nổ ra và sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến này.

Trong khi đó, ông Biden cũng nêu quan ngại về động thái gần đây của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng "tất cả thành viên cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Bình Nhưỡng hành động có trách nhiệm".

Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Trung Quốc trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau vào lần gần nhất là dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã thực hiện 5 cuộc điện đàm kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống vào tháng 1/2021.

Mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, đặc biệt kể từ chuyến thăm Đài Loan hồi tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Tin liên quan

Đọc tiếp