Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, mã: BVB) ghi nhận, khoản thu nhập chính của ngân hàng này là lãi thuần đạt 550 tỷ đồng, tăng tới 50% so với cùng kỳ năm trước (YoY) do tiết giảm chi phí lãi 35% YoY.
Các hoạt động kinh doanh khác cũng có kết quả tích cực như lãi từ dịch vụ tăng 29% YoY, lên gần 23 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 55% YoY, thu được hơn 17 tỷ đồng, do biến động tỷ giá và doanh số mua bán ngoại tệ tăng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng đột biến với 160% lên hơn 12 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của BVBank ghi nhận giảm 2%, chỉ còn 344 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 266 tỷ đồng, gấp 3.6 lần cùng kỳ. Mặc dù đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên gần 183 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với quý 2 năm ngoái, nhưng nhờ các hoạt động kinh doanh ấn tượng, BVBank đã ghi nhận kết quả lãi trước thuế đạt hơn 83 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng này thu được gần 442 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cao gấp 3,2 lần YoY. BVBank dùng hơn 289 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, do đó, ngân hàng này còn gần 153 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao gấp 3,8 lần cùng kỳ và thực hiện được gần 77% kế hoạch kinh doanh cả năm (200 tỷ đồng).
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của BVBank đạt gần 90.490 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi khách hàng chiếm 57,487 tỷ đồng, tăng 1%. Huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt hơn 63.500 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ.
Về tình hình tín dụng, theo BVBank trong quý 1/2024 ngân hàng này gặp nhiều khó khăn do một phần tác động từ bối cảnh chung của thị trường. Tuy nhiên sang đến quý 2 này, hoạt động cho vay có nhiều khởi sắc với nhiều gói vay lãi suất ưu đãi, chính sách cạnh tranh tiếp cận khách hàng, từ đó dư nợ cho vay đạt gần 59.600 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ và tăng 3,2% so với cuối năm 2023.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối quý 2 là 2.249 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Ngoại trừ nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cải thiện thì nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lần lượt tăng 53% và 24%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 3,31% đầu năm lên 3,77%.