Bangkok Post đưa tin, trong phán quyết được công bố vào 15h chiều 7/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho biết đảng Move Forward đã gây ra mối đe dọa đối với chế độ quân chủ lập hiến và an ninh quốc gia bằng cách liên tục và nghiêm túc vận động sửa đổi Điều 112 của Bộ luật Hình sự, tức luật khi quân.
Theo đó, đảng Move Forward đã đề xuất về việc sửa đổi luật khi quân vào ngày 25/3/2021, trong các tuyên bố về chính sách trong chiến dịch tranh cử vào ngày 14/5/2021 và bày tỏ ý định sửa đổi luật thông qua nhiều hoạt động và kênh chính trị.
Theo Tòa án, những hành động này làm giảm giá trị của thể chế hoàng gia, thể hiện ý định lợi dụng thể chế hoàng gia để đạt được lợi ích chính trị trong cuộc tổng tuyển cử, làm tổn hại đến niềm tin của người dân vào thể chế và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Cựu lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat. Ảnh: Reuters |
Ngoài việc ra lệnh giải thể đảng Move Forward, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng cấm 11 người đứng đầu đảng giữ chức vụ từ ngày 25/3/2021 đến ngày 31/1/2024 tham gia tranh cử, thành lập đảng chính trị mới hoặc tham gia thành lập đảng mới trong 10 năm sau phán quyết giải thể. Phán quyết có hiệu lực ngay lập tức.
Trong số những người bị cấm tham gia chính trường có ông Pita Limjaroenrat – cựu lãnh đạo và cố vấn đảng Move Forward, ứng cử viên thủ tướng trong cuộc bầu cử năm 2023 và lãnh đạo đảng Chaithawat Tulathon.
Theo Reuters, việc giải thể đảng Move Forward dự kiến không gây ra quá nhiều tác động đến chính trường Thái Lan, vì chỉ có 11 thành viên ban lãnh đạo và cựu lãnh đạo của đảng này bị cấm hoạt động chính trị.
Do vậy, 143 nhà lập pháp của đảng Move Forward vẫn được giữ nguyên các ghế tại Quốc hội Thái Lan. Các thành viên của đảng này dự kiến tái tổ chức dưới một đảng mới, giống như cách họ đã làm vào năm 2020, khi đảng tiền nhiệm Future Forward (FFP - Tương lai Tiến bộ) bị giải thể.
Trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2023, đảng Move Forward đã giành chiến thắng áp đảo với 151 ghế trong Hạ viện, cao nhất trong các đảng, từ đó có quyền được thành lập chính phủ. Sau đó, lãnh đạo đảng là ông Pita Limjaroenra đã thành lập liên minh 8 đảng, bao gồm đảng Pheu Thai - đảng giành nhiều ghế thứ hai trong Hạ viện.
Mặc dù liên minh 8 đảng đã tập hợp được 312 ghế - tương ứng với 312 phiếu bầu, nhưng vẫn chưa đủ 376 phiếu bầu cần thiết từ Thượng viện và Hạ viện để thành lập Chính phủ mới tại Thái Lan và đưa ông Pita trở thành tân Thủ tướng.
Ngày 13/7/2023, ông Pita đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu trước Quốc hội khi chỉ giành được 324 phiếu bầu. Một số thượng nghị sĩ và nghị sĩ từ các đảng khác từ chối ủng hộ ông Pita do họ không tán thành lập trường của đảng trong việc sửa đổi Điều 112 trong Bộ Luật hình sự Thái Lan về luật khi quân.
Đảng Pheu Thai về nhì trong cuộc bầu cử sau đó đã liên minh với các phe phái bảo thủ để thành lập chính phủ, đồng thời đề xuất ông Srettha Thavisin là ứng cử viên Thủ tướng. Tới cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội vào chiều 22/8/2023, ông Thavisin nhận được hơn 375 số phiếu ủng hộ cần thiết từ lưỡng viện và do đó chính thức trở thành Thủ tướng Thái Lan.
Tuần tới, Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ ra phán quyết về vụ việc kiện do 40 cựu thượng nghị sĩ bảo thủ đệ trình nhằm bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin vì đã bổ nhiệm một luật sư đã từng ngồi tù vào nội các. Ông Srettha đã phủ nhận hành vi sai trái và nói rằng việc bổ nhiệm được thực hiện một cách công bằng.