Màn hình tại Ga tàu Seoul chiếu cảnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol xin lỗi công chúng sáng ngày 7/12/2024. Ảnh: AP |
Trong bài phát biểu ngắn trên truyền hình sáng ngày 7/12, Tổng thống Hàn Quốc cho biết: "Việc tuyên bố thiết quân luật được đưa ra do sự tuyệt vọng của tôi. Nhưng trong quá trình thực hiện, nó đã gây ra sự lo lắng và bất tiện cho công chúng. Tôi cảm thấy rất tiếc về điều đó và thực sự xin lỗi những người dân chắc đã bị sốc”.
Ông khẳng định sẽ không trốn tránh trách nhiệm pháp lý hoặc chính trị của việc ban bố thiết quân luật, đồng thời cam kết sẽ không ban bố lệnh này lần nào nữa. Ông cũng khẳng định giao lại trách nhiệm vạch ra lộ trình vượt qua tình hình chính trị hỗn loạn của đất nước, "bao gồm cả những vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ của tôi", cho đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền.
Bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc được thực hiện trước khi Quốc hội nước này vào khoảng 5h chiều cùng ngày dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc luận tội ông Yoon – động thái do phe đối lập đề xuất. Đầu tiên, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu về dự luật bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra các cáo buộc mua chuộc liên quan đến Đệ nhất Phu nhân Kim Keon-hee và sau đó là luận tội ông Yoon.
Nếu ông Yoon Suk-yeol bị luận tội, quyền hạn của ông sẽ bị đình chỉ cho đến khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc quyết định có bãi nhiệm ông hay không. Nếu ông bị bãi nhiệm, một cuộc bầu cử thay thế ông phải diễn ra trong vòng 60 ngày.
Hiện vẫn chưa rõ liệu động thái luận tội có nhận được đủ 200 số phiếu cần thiết để được thông qua hay không. Các đảng đối lập hiện kiểm soát 192 trong số 300 ghế tại Quốc hội, đồng nghĩa với việc họ cần ít nhất 8 phiếu bầu bổ sung từ Đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon.
Đảng cầm quyền đã tuyên bố sẽ không ủng hộ động thái luận tội. Tuy nhiên, 18 nhà lập pháp từ một phe thiểu số của đảng đã cùng tham gia cuộc bỏ phiếu nhằm hủy bỏ thiết quân luật vào rạng sáng ngày 4/12. Ngoài ra, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân Han Dong-hun ngày 6/12 từng kêu gọi đình chỉ các quyền hạn theo hiến pháp.
Vào thời điểm đó, ông Han chỉ trích ông Yoon không đủ tư cách để giữ chức vụ và có khả năng thực hiện các hành động cực đoan hơn. Ông Han cho biết ông đã nhận được thông tin tình báo rằng trong thời gian ngắn áp dụng thiết quân luật, Tổng thống Yoon đã ra lệnh cho chỉ huy phản gián quốc phòng của đất nước bắt giữ và giam giữ các chính trị gia quan trọng dựa trên các cáo buộc về "hoạt động chống nhà nước".
Ông Hong Jang-won, phó giám đốc thứ nhất của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, cũng xác nhận với các nhà lập pháp trong một cuộc họp kín rằng Tổng thống ra lệnh cho ông giúp đơn vị phản gián quốc phòng bắt giữ các chính trị gia chủ chốt. Theo AP dẫn lời ông Kim Byung-kee, một trong những nhà lập pháp tham dự cuộc họp, các chính trị gia bị nhắm mục tiêu bao gồm chủ tịch đảng cầm quyền Han Dong-hun, chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung và chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik.
Trước đó vào vào khoảng 9h tối ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật với nguyên nhân bảo vệ đất nước khỏi Triều Tiên và các lực lượng chống nhà nước ủng hộ Triều Tiên, đồng thời bảo vệ trật tự hiến pháp tự do của Hàn Quốc
Sau tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon, quân đội Hàn Quốc đã tuyên bố các hoạt động của Quốc hội cũng như các đảng phái chính trị sẽ bị cấm, trong khi các phương tiện truyền thông sẽ nằm dưới sự kiểm soát của lệnh thiết quân luật.
Động thái này vấp phải sự phản đối lớn từ các đảng đối lập cũng như người dân. Nhiều người đã tập trung trước cổng Tòa nhà Quốc hội để biểu tình bày tỏ thái độ phản đối cũng như yêu cầu ông Yoon Suk-yeol từ chức. Có thời điểm, các nhà lập pháp cùng các nhân viên tại Tòa nhà Quốc hội buộc phải sử dụng bình chữa cháy cũng như sắp xếp các vật cản trước cửa sổ và cửa ra vào để ngăn quân đội tiến vào bên trong.
Tuy nhiên chỉ trong vòng vài giờ, Quốc hội Hàn Quốc, với 190 trong số 300 thành viên có mặt, vẫn có thể nhanh chóng thông qua một động thái yêu cầu Tổng thống dỡ bỏ thiết quân luật. Những người ủng hộ bao gồm cả 18 thành viên từ đảng cầm quyền. Tổng thống sau đó đã tuyên bố hủy bỏ thiết quân luật vào khoảng 4h30 sáng ngày 4/12 theo giờ địa phương.