Reuters đưa tin, trong phát biểu ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: "Chúng tôi không nói về việc cho phép hay cấm Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga. Họ đã làm như vậy rồi, bằng UAV và các phương tiện khác. Đây là vấn đề quyết định liệu các nước NATO có trực tiếp tham gia vào một cuộc xung đột quân sự hay không".
Tổng thống Putin nói rằng Ukraine không đủ khả năng sử dụng các hệ thống tầm xa do phương Tây cung cấp; lưu ý rằng việc nhắm mục tiêu cho các cuộc tấn công như vậy đòi hỏi phải có thông tin tình báo được cung cấp từ vệ tinh của NATO.
“Nếu quyết định này được đưa ra, nó sẽ đồng nghĩa với sự tham gia trực tiếp của các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu trong cuộc xung đột ở Ukraine. Sự tham gia trực tiếp của họ tất nhiên sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột,” ông Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo Moscow sẽ “đưa ra những quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa đang phải đối mặt”, nhưng không nêu rõ những biện pháp đó có thể là gì.
Tuyên bố cứng rắn mới nhất của Tổng thống Nga được đưa ra trong bối cảnh Ukraine nhiều tháng qua đã kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí tầm xa, trong đó có tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh, để tấn công vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong thời gian qua, Mỹ vẫn cân nhắc về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa vì lo ngại động thái này có thể làm leo thang cuộc xung đột. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy lập trường của Washington có thể đang thay đổi. Ngày 11/9, khi được phóng viên hỏi liệu ông có dỡ bỏ lệnh hạn chế sử dụng tên lửa như ATACMS đối với Ukraine hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông “đang giải quyết vấn đề đó”.
Tờ Politico ngày 11/9 dẫn lời một số quan chức phương Tây giấu tên cho biết một nhóm quan chức đã có cuộc đàm phán tại Nhà Trắng về việc mở rộng phạm vi các khu vực trong lãnh thổ Nga mà Ukraine có thể tấn công bằng vũ khí do Washington cung cấp. Các chi tiết của kế hoạch vẫn đang hoàn thiện.
Các quan chức được cho là cũng đã thảo luận về cách ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga, cũng như việc Mỹ đồng ý cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Anh có chứa các bộ phận của Mỹ để tấn công bên trong nước Nga.
Trong khi đó, tờ Guardian dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Anh đã “bật đèn xanh” cho việc Ukraine được sử dụng tên lửa Storm Shadow. Nguồn tin khẳng định London không có kế hoạch công bố động thái này. Cũng theo tờ Guardian, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã “đưa ra gợi ý mạnh mẽ nhất từ trước đến nay” về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa chống lại Nga. Quyết định này “được hiểu là đã được đưa ra một cách riêng tư”.
Mỹ và Anh hiện chưa bình luận về các thông tin này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng cảnh báo các thành viên NATO phải nhận thức được "những gì họ đang chơi đùa" khi thảo luận về các kế hoạch cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.
Phát biểu với các hãng thông tấn lớn bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) vào tháng 6, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng Moscow có thể sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để tự vệ nếu chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa.
Chủ nhân Điện Kremlin cảnh báo Nga sẽ tăng cường hệ thống phòng không và bắn hạ tất cả tên lửa phương Tây; đồng thời đang xem xét triển khai các tên lửa tầm xa, công nghệ cao tương tự đủ gần để tấn công các quốc gia cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa như vậy.
“Nếu chúng tôi thấy các quốc gia này đang bị lôi kéo vào một cuộc chiến chống lại chúng tôi thì chúng tôi có quyền hành động theo cách tương tự. Nhìn chung, đây là con đường dẫn đến những vấn đề rất nghiêm trọng,” ông Putin nói.