Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP |
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Philadelphia Inquirer ngày 30/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine có thể tìm ra một mô hình đàm phán cho một giải pháp tiềm năng với Nga.
Ông Zelensky đã đề cập đến thỏa thuận giữa Kiev và Moscow do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian vào hai năm trước, cho phép thiết lập một hành lang xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraine.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Ankara và Liên Hợp Quốc khi đó đã ký các thỏa thuận riêng với Moscow và Kiev. “Nó đã có hiệu quả,” ông Zelensky nói, đồng thời cho rằng hành lang ngũ cốc khi đó đã tồn tại “đủ lâu”. Theo Reuters, vào tháng 3 năm nay, Nga và Ukraine đã gần đạt được một thỏa thuận ngũ cốc khác, nhưng các nhà đàm phán Kiev đã đột ngột rút lui sau 2 tháng đàm phán.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Zelensky cho biết các thỏa thuận về “toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và tự do hàng hải” giữa Nga và Ukraine có thể được ký kết theo cùng một khuôn mẫu. Ông đề xuất các quốc gia khác có thể được mời làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình. Trong đó, không chỉ có châu Âu và Mỹ, mà các quốc gia châu Á, châu Phi và Nam Mỹ cũng nên tham gia và giúp chuẩn bị các tài liệu trình tới Moscow và Kiev.
“Cho đến nay, chỉ có mô hình này,” ông Zelensky nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận cuối cùng phải “phù hợp với” Ukraine và dựa trên các điều khoản của nước này.
Nga chưa bình luận về các tuyên bố của Tổng thống Ukraine.
Thụy Sĩ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine lần thứ nhất từ ngày 15-16/6, với hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia. Nga không được mời tham dự hội nghị này.
Hội nghị xoay quanh 3 điểm chính trong “công thức hòa bình 10 điểm” do Tổng thống Ukraine Zelensky đề xuất nhằm chấm dứt xung đột với Nga, gồm an ninh hạt nhân, lương thực và trao đổi tù nhân. Sau 2 ngày họp nhóm, hội nghị đã ra tuyên bố chung kêu gọi hòa bình với sự nhất trí từ 78 bên.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức đã mang lại kết quả không đáng kể và cho thấy sự vô ích của việc tổ chức các cuộc đàm phán mà không có Nga.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/5 đã nêu ra các điều kiện cần đáp ứng để chấm dứt các hành động thù địch và khởi động các cuộc đàm phán hòa bình. Các điều kiện này bao gồm việc Ukraine rút lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ mới của Nga – những vùng cần được quốc tế công nhận; Ukraine cam kết chính thức không gia nhập NATO hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và cuối cùng là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, ông Mikhail Podolyak - Trợ lý Tổng thống Ukraine, tuyên bố rằng sáng kiến hòa bình mà Tổng thống Nga Putin đưa ra là không thực tế và không thể hiện mong muốn kết thúc xung đột.
Theo RT, mặc dù bác bỏ các điều kiện của Nga, Ukraine gần đây đã phát đi tín hiệu sẵn sàng chấm dứt giao tranh. Ngày 22/6, ông Igor Zhovkva - Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Zelensky, cho biết Ukraine muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai vào cuối năm nay. Ông nói rằng Ukraine mong muốn “hòa bình càng sớm càng tốt”.
Ngày 27/6, Tổng thống Zelensky cũng nói rằng Kiev không muốn “kéo dài cuộc chiến” và không muốn nó “kéo dài trong nhiều năm”. “Chúng tôi có nhiều người bị thương và thiệt mạng trên chiến trường. Chúng tôi phải đưa ra kế hoạch giải quyết trong vòng vài tháng,” ông nhấn mạnh.