RT đưa tin, phát biểu tại sự kiện ngày 9/7 ở Quỹ và Viện Tổng thống Ronald Reagan, Washington, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelesky đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh cung cấp thêm vũ khí và giảm bớt các hạn chế về sử dụng vũ khí trong cuộc chiến với Nga.
Trong đó, nhà lãnh đạo Kiev đã nhấn mạnh nhiều lần về sự chênh lệch sức mạnh quân sự giữa Kiev và Moscow. “Vẫn chưa đủ. Chưa bao giờ là đủ,” ông Zelensky nói, dường như ám chỉ đến 5 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ, Đức, Romania, Hà Lan và các đối tác khác cam kết viện trợ cho Kiev, được Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày thông báo. Italy cam kết cung cấp cho Ukraine một hệ thống phòng không SAMP/T mới.
Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine hàng chục hệ thống chiến thuật tầm ngắn, bao gồm NASAMS do Mỹ - Na Uy sản xuất, HAWK do Mỹ sản xuất, hệ thống IRIS T-SLS do một tập đoàn châu Âu sản xuất và tên lửa Gepard của Đức.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại sự kiện ở Quỹ và Viện Tổng thống Ronald Reagan ở Washington, ngày 9/7. Ảnh: New York Times |
Khi được hỏi về số phận của 31 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams do Mỹ cung cấp vào năm ngoái, Tổng thống Zelensky cho biết con số này quá ít để mang lại “thay đổi tình hình trên chiến trường”.
Ông Zelensky cũng nói thêm rằng số lượng máy bay chiến đấu F-16 mà phương Tây cam kết viện trợ cho Kiev là không đủ. Ông cho rằng Moscow đang sử dụng khoảng 300 máy bay chiến đấu trong cuộc xung đột, trong khi Kiev sẽ chỉ có thể triển khai từ 10 – 20 chiếc F-16 trong thời gian tới.
"Ngay cả khi chúng tôi có 50 chiếc thì cũng chẳng là gì. Họ có đến 300 chiếc,” người đứng đầu chính phủ Ukraine nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Kiev cần có một phi đội gồm 128 chiếc F-16 để ngang bằng với Nga.
Cũng trong phát biểu của mình, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga, giúp Ukraine có khả năng tấn công tầm xa tốt hơn.
Tổng thống Ukraine đang thăm Mỹ trong tuần này, trong khi các lãnh đạo các nước thành viên NATO đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington.
Hồi cuối tháng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sửa đổi chính sách hạn chế sử dụng vũ khí, trong đó cho phép Kiev sử dụng các vũ khí do nước này viện trợ để tấn công giới hạn tại một phần nhỏ vùng Belgorod của Nga – giáp với vùng Kharkov của Ukraine, nhưng không cho phép tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và NATO về những hậu quả thảm khốc, nếu phương Tây cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo các thành viên NATO ở châu Âu đang “đùa với lửa” nếu để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Putin nhấn mạnh rằng động thái này có thể gây ra xung đột toàn cầu. Nhà lãnh đạo Nga cũng tuyên bố rằng Moscow có thể sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có, bao gồm cả vũ khí hạt nhân để tự vệ nếu chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa.